Quốc hội với Cử tri

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế - xã hội

Hội thảo này là dịp để tiếp tục nhận góp ý về: Quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN).

TTXVN - Để có thêm cơ sở hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các bước quy trình tiếp theo, chiều 20/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý”.

Tiến sỹ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN).
Quang cảnh hội thảo (Ảnh:  /TTXVN)

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 29/5/2023 sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa và trình Quốc Hội trong kỳ họp thứ V Quốc Hội khóa XV đã có sự tiếp thu và chọn lọc hoàn chỉnh tương đối nhiều các nội dung trên cơ sở các ý kiến góp ý của đông đảo giới nghiên cứu, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.

Để đảm bảo tính nhất quán, thống nhất, đồng bộ, phù hợp và khả thi của Dự thảo Luật, hội thảo này là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia tiếp tục góp ý về một số vấn đề như: Quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất do các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng… Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, Tiến sỹ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, quy hoạch sử dụng đất là thành phần không thể thiếu trong tất cả các đồ án quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Vì vậy, hệ thống quy hoạch sử dụng đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất và tuân thủ theo hệ thống quy hoạch chung; cần thống nhất thời gian và thuật ngữ dùng chung khi quy định khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho việc lập tất cả các cấp và loại quy hoạch ở tất cả các loại luật để thuận lợi cho công tác khảo sát, đánh giá, dự báo khi xây dựng quy hoạch.

Tiến sỹ Đặng Việt Dũng đề xuất, Ban soạn thảo cần bổ sung vào dự thảo quy định về thời gian và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng; bổ sung các quy định về đất đô thị, đất xây dựng đô thị, quy định về đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và các danh mục đất đô thị khác vào dự thảo Luật phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất trong đô thị, xác định mục đích sử dụng đất, định giá đất thuận lợi. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần quy định bổ sung hình thức lấy ý kiến quy hoạch, đối tượng lấy ý kiến quy hoạch theo cấp quy hoạch, công tác tiếp thu, giải trình nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phản biện đồ án quy hoạch, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, đảm bảo công khai minh bạch trong triển khai quy hoạch.

Đánh giá tình hình đất đai vùng dân tộc thiểu số, Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết cần xem xét thấu đáo lịch sử đất đai được hình thành của các nông, lâm trường khu vực Tây Nguyên để đảm bảo quyền lợi, phân chia lợi nhuận cho các hộ đồng bào có đóng góp, gây mâu thuẫn phức tạp.

Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương đề nghị bổ sung, sửa đổi vào mục 4, điều 10 “Đảm bảo quyền lợi người dân khi góp đất vào các đơn vị kinh tế” thành “Tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn; đảm bảo quyền lợi của người dân khi góp đất vào các đơn vị kinh tế”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận một số vấn đề như: Phát triển quỹ đất, thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, giải pháp “chiến lược” nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Diệu Thúy

Diệu Thúy

Xem thêm