Từ nay đến năm 2025, huyện Duy Xuyên đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2024 - 2025.
(TTXVN) UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã tổ chức Lễ công bố đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020. Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến chia vui cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Phan Xuân Cảnh cho biết: Duy Xuyên ưu tiên nguồn lực đầu tư mạnh phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các công trình công cộng, công trình dân sinh theo hướng hiện đại, hài hòa với làng quê nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, huyện đầu tư gần 2.820 tỷ đồng xây dựng huyện nông thôn mới; trong đó ngân sách Nhà nước hơn 1.452 tỷ đồng, doanh nghiệp và hợp tác xã hỗ trợ gần 600 tỷ đồng, nhân dân đóng góp quy ra giá trị gần 311 tỷ đồng, còn lại là huy động từ các nguồn lực khác.
Huyện triển khai nhiều cơ chế chính sách để phát triển các mô hình kinh tế theo hướng hiện đại, liên kết sản xuất để tăng thu nhập bền vững cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 43,5 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,8%, giảm gần 11%. Kinh tế phát triển ổn định. Các địa phương tiếp tục xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, những làng quê văn minh đáng sống, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu.
Sau 10 năm nỗ lực phấn đấu, đến cuối năm 2020, tất cả 11 xã của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021. Duy Xuyên đã hoàn thành toàn bộ 9 tiêu chí, đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo quy định. Qua các lần lấy ý kiến, 98,9% người dân hài lòng về xây dựng huyện nông thôn mới.
Từ nay đến năm 2025, huyện Duy Xuyên đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2024-2025.
Để đạt mục tiêu này, Duy Xuyên tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, khai thác bền vững và có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp thông minh gắn với du lịch nông thôn; thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh, tổ chức thực hiện chuyển đổi số trên một số lĩnh vực như: chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch nông thôn, trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội./.