Văn hóa

Gắn kết bảo tàng và nghề thủ công Việt – Nga trong thời đại mới

Việt Nam có nguồn di sản nông nghiệp phong phú, gắn liền với nhu cầu sinh hoạt và đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Thủ công không chỉ là kỹ thuật mà còn là giá trị tinh thần, biểu tượng của sự cần cù và sáng tạo, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.

Quang cảnh toạ đàm
Ảnh- TTXVN 

Ngày 24/4, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực hành bảo tàng và nghề thủ công truyền thống trong đời sống đương đại”, kết hợp trình diễn nghề thủ công đặc sắc. Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Học viện Kinh tế Quốc dân và Hành chính công trực thuộc Học viện Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA).

Sự kiện là cuộc gặp gỡ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cán bộ bảo tàng đến từ Việt Nam và Liên bang Nga, nhằm trao đổi kinh nghiệm và cùng nhìn lại vai trò của nghề thủ công truyền thống trong xã hội hiện đại từ góc nhìn bảo tàng học, giáo dục cộng đồng và phát triển bền vững.

Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của bảo tàng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống trong bối cảnh đời sống đương đại. Theo Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, nghề thủ công không chỉ là di sản vật thể và phi vật thể quý giá, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa bản địa và giáo dục cộng đồng.

Thông qua hoạt động sưu tầm, trưng bày, truyền dạy và trình diễn nghề, bảo tàng không chỉ góp phần lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn khơi dậy niềm tự hào, sự quan tâm và trách nhiệm gìn giữ của thế hệ trẻ. Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tàng và nghề thủ công, như với Học viện Tổng thống Liên bang Nga, sẽ tạo thêm động lực để lan tỏa giá trị văn hóa và thúc đẩy sáng tạo trong giáo dục, nghiên cứu và giao lưu nhân dân.

Tiến sĩ Nikita Petrov, Khoa học Ngữ văn, Trưởng Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Lý thuyết thuộc Viện Khoa học Xã hội, Học viện Tổng thống Liên bang Nga nhấn mạnh, vai trò quan trọng của nghề thủ công trong cấu trúc xã hội Việt Nam, đặc biệt là các ngành thủ công truyền thống. Tiến sĩ Nikita Petrov cho rằng, Việt Nam có nguồn di sản nông nghiệp phong phú, gắn liền với nhu cầu sinh hoạt và đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Thủ công không chỉ là kỹ thuật mà còn là giá trị tinh thần, biểu tượng của sự cần cù và sáng tạo, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hiện đại, việc phục hồi và tôn vinh nghề thủ công truyền thống là cần thiết để duy trì mạch kết nối văn hóa, lịch sử, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt thông qua các hình thức giáo dục di sản và phát triển du lịch gắn với làng nghề.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam cho biết, nghề đan lát ở vùng châu thổ Bắc Bộ là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Với các làng nghề lâu đời như Phú Vinh, Làng Chuông, Thù Sỹ hay Kim Sơn, nghề đan lát không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn góp phần xây dựng cộng đồng bền vững, thân thiện với môi trường. Phó Giáo sư Trần Hồng Hạnh cũng cho rằng, để phát huy giá trị của nghề truyền thống trong bối cảnh hiện đại, cần kết hợp gìn giữ kỹ thuật thủ công với đổi mới thiết kế, phát triển du lịch trải nghiệm và chú trọng đào tạo nghề cho thế hệ trẻ. Đây là hướng đi thiết thực để đưa sản phẩm đan lát Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.

Tại tọa đàm, các đại biểu khẳng định, nghề thủ công không chỉ là di sản văn hóa sống mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối cộng đồng, định hình bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế sáng tạo. Các ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò của bảo tàng trong việc gìn giữ, phục dựng và truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm thực hành.

Bên cạnh phần trao đổi học thuật, chương trình còn mang đến không gian trình diễn nghề thủ công truyền thống sinh động, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tham dự. Đây là minh chứng thực tiễn cho sự kết nối giữa văn hóa – khoa học – giáo dục và giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Nga trong lĩnh vực nhân văn và sáng tạo./.

Lý Thị Thanh Hương

Xem thêm