Văn hóa

Giao lưu văn hoá tri ân Tam Tổ Trúc Lâm

Quảng Ninh

Các đại biểu được nghe Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ nội dung về “Công hạnh Tam Tổ Trúc Lâm và những đóng góp của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa với Đạo pháp và dân tộc”.

Tối 29/3, tại Khu Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Am-Chùa Ngọa Vân (thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) diễn ra chương trình Giao lưu văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm nhằm tôn vinh, lan tỏa các giá trị văn hóa của tiền nhân. Sự kiện do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Văn hóa Ngọa Vân Yên Tử và Câu lạc bộ Ngôi trường cuộc sống - Sắc màu tự nhiên tổ chức, nhân kỷ niệm 695 năm Nhị Tổ Pháp Loa về cõi Phật.

Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban Thường trực Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại buổi giao lưu.
Ảnh: Phương Hà - TTXVN

Tiến sỹ Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, thành viên Ban Tổ chức chia sẻ: Nhân kỷ niệm 695 năm Nhị Tổ Pháp Loa nhập niết bàn - về cõi Phật, những người yêu mến thiền phái Trúc Lâm, những nhà thơ, nhà văn, họa sỹ, nghệ nhân, nghệ sỹ và những Phật tử từ khắp mọi miền đất nước tập hợp về đây tham dự đêm giao lưu văn hóa văn nghệ tri ân Tam Tổ Trúc Lâm, thể hiện niềm tin và lòng thành đối với Phật giáo Trúc Lâm. Đây là hoạt động văn hóa, tâm linh ý nghĩa liên quan tới Tam Tổ Trúc Lâm, giúp cộng đồng hiểu thêm về truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, thể hiện nét đẹp trong văn hóa người Việt với hoạt động tri ân Tam Tổ Trúc Lâm, cũng như những giá trị văn hóa, tâm linh của người Việt từ xưa tới nay.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu được nghe Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ nội dung về “Công hạnh Tam Tổ Trúc Lâm và những đóng góp của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa với Đạo pháp và dân tộc”.

Thiền sư Pháp Loa là Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm do Đệ nhất Tổ Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Pháp Loa tên đời là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284 quê ở thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Cha Pháp Loa là Phật tử, họ Đồng, có pháp danh Thuần Mậu; mẹ là Vũ Từ Cứu.

Diễn xướng thơ ca chủ đề về Trúc Lâm.
Ảnh: Phương Hà - TTXVN

Tương truyền, bà Vũ Từ Cứu nằm mộng thấy dị nhân trao cho thanh kiếm thần và sau đó mang thai. Đến khi sinh ra con trai, bà mẹ rất vui mừng, đặt tên con là Kiên Cương. Đồng Kiên Cương còn nhỏ đã có chí khác thường, không nói lời ác, không thích ăn đồ cay nồng và thịt, cá.

Năm 1304, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi trong nước khuyên dân dẹp bỏ mê tín, tin nhân quả và tìm người kế thừa. Khi đến thôn Đồng Hòa, Đồng Kiên Cương được gặp Phật hoàng Trần Nhân Tông, liền đỉnh lễ xin xuất gia. Được Phật hoàng đặt tên là Thiện Lai.

Năm 1305, mến tài đức của Thiện Lai, Phật hoàng Trần Nhân Tông đích thân truyền Thanh văn và Bồ-tát giới, rồi ban pháp danh là Pháp Loa. Năm 1308, ngày mùng 1 Tết Mậu Thân (1308), Pháp Loa nhận chân “Trụ pháp Vương gia - trì Như Lai tạng” làm trụ trì chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử và được Đức Trúc Lâm Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông trao trọng trách làm Tổ thứ hai của Thiền phái. Năm 1330, ngày mùng 3 tháng 3 năm Canh Ngọ (22/3/1330), Nhị Tổ Pháp Loa viên tịch, thọ 47 tuổi.

Thiền sư Pháp Loa trụ thế 47 năm tuổi đời, 26 năm tuổi đạo, 12 năm làm Đệ nhị Tổ thiền phái Trúc Lâm, Ngài để lại nhiều đóng góp to lớn cho Phật giáo và góp phần phát triển chuẩn mực đạo đức, văn hóa của đất nước, tạo nên một trong những giai đoạn phát triển đẹp nhất của lịch sử dân tộc Việt, đó là: Duy trì và phát triển triết lý Phật giáo Trúc Lâm do Đệ nhất Tổ truyền trao; Soạn thảo, hiệu đính, cho khắc mộc bản in ấn nhiều bộ kinh sách Phật giáo; Tiếp độ và truyền thụ tri thức Phật giáo cho nhiều Phật tử xuất gia và tại gia; Xây dựng hệ thống đào tạo tăng tài chính quy và được xem như là người sáng lập tổ chức bậc Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam; Xây dựng nhiều tự viện Phật giáo làm trung tâm tu học đạo đức xây dựng lối sống “nhân quả” “Phật tại tâm” tốt đẹp trong nhân gian... Những đóng góp đó còn được hậu thế nối truyền tới ngày nay và mai sau.

Các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn trích đoạn “Pháp Loa, Nhị Tổ thiền phái Trúc Lâm”.
Ảnh: Phương Hà - TTXVN

Tại sự kiện, Tiến sỹ Bùi Hữu Dược chia sẻ với công chúng về “Dòng chảy của Phật giáo Trúc Lâm xưa và nay”; nghe đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Quảng Ninh chia sẻ về vị trí thánh địa Ngọa Vân am trong tâm thức người Việt...

Cũng tại buổi giao lưu, đại biểu và các khách mời tham dự thưởng thức một số tác phẩm diễn xướng thơ ca, nhạc về chủ đề Trúc Lâm, về Phật hoàng Trần Nhân Tông, ca ngợi về công đức của Tam Tổ Trúc Lâm…; các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn trích đoạn trong vở cải lương mang tên “Pháp Loa, Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm”; Câu lạc bộ Ngôi trường cuộc sống Sắc màu tự nhiên và nhóm nghệ nhân in tranh của Câu lạc bộ Văn hóa tổ chức hoạt động giao lưu vẽ tranh, chữ chủ đề Thiền trong hội họa và thư pháp...

Tiến sỹ Bùi Hữu Dược cho biết: Ban tổ chức và những người yêu mến Phật giáo mong muốn truyền tải đến cộng đồng thông điệp về niềm tin với Phật giáo Trúc Lâm, về những nét đẹp trong văn hóa Phật giáo từ xưa đến nay, về tinh thần nhân quả của cuộc sống, tuyên truyền giáo dục làm điều tốt, việc thiện, tránh điều xấu, cái ác; làm việc yêu người, kính đời, giúp nhau cùng xây dựng đất nước theo đúng phương châm quốc thái, dân cường…

"Hoạt động Giao lưu văn hóa tâm linh tri ân Tam Tổ Trúc Lâm lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo Trúc Lâm từ quá khứ đến hiện tại, đồng thời giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về cội nguồn và những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm, cũng như những giá trị văn hóa, tâm linh của người Việt”, Tiến sỹ Bùi Hữu Dược chia sẻ./.

Lộc Phương Lan

Tin liên quan

Xem thêm