Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường hướng tới cảnh báo, dự báo môi trường, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
TTTXVN - Đến năm 2050, tăng cường đầu tư, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục, áp dụng các công nghệ quan trắc mới hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí, nước mặt định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí, chất lượng nước tự động, liên tục. Đây là một trong những mục tiêu chính của Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường đầu tư cho công tác quan trắc môi trường đồng bộ và hiện đại.
Hiện cả nước có gần 2.000 Trạm quan trắc môi trường tự động; trong đó có hơn 1.600 trạm đang truyền số liệu về Bộ, khoảng 300 trạm đang trong giai đoạn lắp đặt, vận hành thử nghiệm. Dữ liệu từ các trạm quan trắc được truyền về liên tục với tần suất 60 phút/lần, thậm chí 5 phút/lần.
Nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường khi nguy cơ ô nhiễm vẫn hiện hữu và gia tăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều giải pháp quan trắc môi trường hiệu quả, trong đó có việc xây dựng “Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia”. Để hình thành Hệ thống này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành các chính sách để tăng cường xã hội hóa đối với công tác quan trắc môi trường, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động quan trắc; đặc biệt, chú trọng đến nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Hệ thống được triển khai dựa trên nền tảng cốt lõi là nâng cấp phần mềm Quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động Envisoft. Nhờ phần mềm này, kết quả quan trắc được tập hợp kịp thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước phân tích được diễn biến chất lượng nước các lưu vực sông, chất lượng môi trường không khí các vùng, địa phương, hiện trạng xả thải của các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp.
Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia sẽ tích hợp dữ liệu mạng lưới quan trắc định kỳ của Trung ương và địa phương; tích hợp dữ liệu chuyên ngành như viễn thám, khí tượng thủy văn và dữ liệu của các bộ, ngành khác. Toàn bộ dự liệu quan trắc môi trường sau khi tiếp nhận từ các bộ, ngành và địa phương cùng với dữ liệu từ Chương trình quan trắc môi trường quốc gia được xử lý, kiểm duyệt và phân tích, tổng hợp trên nền tảng công nghệ cao, máy học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tích hợp.
Việc vận hành hệ thống khắc phục tình trạng dữ liệu quan trắc môi trường đang “phân mảnh”, riêng rẽ hiện nay và tối ưu hóa được nhiều hoạt động khác nhau như giao diện thân thiện, dễ dàng quản lý, tiết kiệm nhân lực và thời gian xử lý. Đặc biệt dữ liệu tích hợp và đồng bộ tập trung vào một kho dữ liệu theo một chuẩn thống nhất chung, sẵn sàng kết nối và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác qua trục liên thông trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Với hệ thống này cơ quan quản lý sẽ được cung cấp các thông tin kịp thời, nhận diện các vùng ô nhiễm để điều chỉnh chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý thiết thực. Đối với doanh nghiệp sẽ có không gian để kết nối, chia sẻ dữ liệu và công khai thông tin một cách minh bạch. Những thông tin cảnh báo, dự báo ô nhiễm môi trường được phát đi thông qua các bản tin trên truyền hình, ứng dụng di động, thiết bị online. Người dân dễ dàng tiếp cận thông tin ở bất kỳ đâu, nguy cơ ô nhiễm môi trường được cảnh báo, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được lan tỏa trong cộng đồng.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, quan trắc môi trường không chỉ để biết hiện trạng mà còn là cơ sở dữ liệu cho dự báo, cảnh báo môi trường, phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân. Với mục tiêu “thống nhất-liên thông-công khai-hiện đại-hiệu quả”, Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia phục vụ hiệu quả công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, hướng tới cảnh báo, dự báo môi trường, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giúp Việt Nam phát triển kinh tế xanh, bền vững./.