Giáo dục

Giải pháp thu hút sinh viên quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh

Để thu hút sinh viên quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh học tập, các chuyên gia cho rằng cần có thêm chính sách mới như: Tạo môi trường thúc đẩy sự giao lưu sinh viên quốc tế, nâng cao chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, sự công nhận bằng cấp.


Chuyên gia trao đổi tại hội thảo. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Ngày 5/12, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố tổ chức hội thảo khoa học về thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế đến học tập và làm việc tại Thành phố.

Số liệu tại hội thảo cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 139.000 người đi du học mỗi năm nhưng chỉ thu hút được khoảng 10.000 sinh viên quốc tế đến học tập. Bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc chương trình Giáo dục, Hội đồng Anh chia sẻ, việc học sinh có cơ hội học tập ở nước ngoài là điều tốt, bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa, dù ở đâu họ vẫn có thể đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đặt mục tiêu trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nội tại trở thành yếu tố rất quan trọng.

Bà Hoàng Vân Anh cho biết, khảo sát của Hội đồng Anh với 150 sinh viên quốc tế đang học tập tại Việt Nam cho thấy chưa tới một nửa trong số này theo học các chương trình cấp bằng dài hạn, còn lại là theo các chương trình giao lưu, trao đổi ngắn hạn. Đặc biệt, những sinh viên theo học các chương trình dài hạn chỉ tập trung ở 5 đại học trên tổng số 123 trường được khảo sát. Điều này cho thấy, chỉ có một số trường đại học của Việt Nam có khả năng thu hút sinh viên quốc tế. Do đó, các trường muốn thu hút sinh viên nước ngoài cần xem lại chính sách, chiến lược quốc tế hóa của mình.

Chuyên gia trao đổi tại hội thảo. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Phân tích số liệu về lượng sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Đạt, Trưởng Phòng Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi cơ sở giáo dục đại học có khoảng 42 sinh viên quốc tế. Trong khi đó, quy hoạch mạng lưới các trường đại học đến năm 2020, Việt Nam kỳ vọng có khoảng 66.000 sinh viên quốc tế, nhưng đến nay tỷ lệ đạt được còn rất thấp. Hơn nữa, số sinh viên quốc tế đến Việt Nam học chủ yếu là học tiếng Việt, văn hóa, chính sách công.

Tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2023 có 160 sinh viên quốc tế theo học cử nhân hoặc theo chương trình trao đổi, đào tạo hợp tác với các đối tác. So với quy mô sinh viên toàn trường, số sinh viên quốc tế chiếm chưa đến 1%, nhưng so với số trung bình của cả nước thì cao hơn. Có được kết quả này là do nhà trường tập trung phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, đặc biệt, trường còn xây dựng hệ sinh thái tiếng Anh trong đào tạo, nghiên cứu. Đặc biệt, nhà trường khẳng định chất lượng đào tạo bằng việc kiểm định chất lượng quốc tế.

Để thu hút sinh viên quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh học tập, các chuyên gia cho rằng cần có thêm chính sách mới như: Tạo môi trường thúc đẩy sự giao lưu sinh viên quốc tế, nâng cao chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, sự công nhận bằng cấp. Cùng với đó, Thành phố nghiên cứu chính sách học bổng để thu hút người học, đi kèm đó, các trường đại học phải có chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế và dịch vụ, môi trường hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư về giáo dục; có thêm chính sách phát huy vai trò của doanh nghiệp trong hợp tác với trường đại học như tạo điều kiện thực tập, việc làm cho sinh viên quốc tế hoặc hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất trường đại học. Thành phố cần nâng cao chất lượng dịch vụ, hành chính công; thành lập trung tâm quảng bá giáo dục đại học, hỗ trợ sinh viên quốc tế./.

Lý Thu Hoài

Xem thêm