Giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp
Những nỗ lực từ dự án này đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ sức khỏe con người.
Ngày 21/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Đánh giá kết quả sau ba năm thực hiện và định hướng các hoạt động tiếp theo của Dự án đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam”.
Các đại biểu tham dự đều nhất trí tính hiệu quả của quá trình đánh giá hiện trạng môi trường cũng như việc thay đổi phương pháp đốt lộ thiên sang một số giải pháp thay thế khác.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Dự án cho biết: Dự án đã xây dựng các phương pháp tiên tiến để phân tích dữ liệu viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), từ đó xác định và giám sát các khu vực đốt lộ thiên trong nông nghiệp. Nhiều bản đồ chi tiết đã được lập, thể hiện các vùng đốt liên quan đến một số nhóm cây trồng chính như lúa, mía, ngô, khoai, sắn.
Các mô hình phân tích cũng được phát triển để đánh giá chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe tại nhiều địa phương. Tại Long An, ô nhiễm từ đốt sinh khối ước tính gây ra 331 ca nhập viện và 61 ca tử vong sớm trên 100.000 dân.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 gây thiệt hại kinh tế lên tới 3.038 tỷ đồng, chiếm 0,248% tình trạng kinh tế của thành phố.
Riêng tại Hà Nội, các nghiên cứu ghi nhận khoảng 43-95 ca tử vong sớm mỗi năm do phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 từ đốt rơm rạ và các nguồn khác.
Song song với việc nghiên cứu và giám sát, dự án đã triển khai thí điểm một số công nghệ thay thế đốt lộ thiên như: Trồng nấm từ rơm rạ, ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học, sử dụng rơm làm thức ăn gia súc và nuôi trùn quế.
Các mô hình này được thử nghiệm tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và An Giang đem lại hiệu quả cao và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân và chính quyền địa phương. Điển hình, tại An Giang, từ 15 mô hình thí điểm ban đầu, các công nghệ đã được nhân rộng lên 30 mô hình hộ gia đình, tạo tiền đề để áp dụng trên diện rộng.
Trong lĩnh vực truyền thông và nâng cao nhận thức, khuôn khổ dự án đã thực hiện khảo sát hơn 4.000 người dân tại 17 tỉnh thành, tổ chức nhiều chương trình truyền thông sáng tạo. Cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” trong khuôn khổ dự án đã thu hút sự tham gia của học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu trên cả nước, góp phần thay đổi hành vi và nhận thức về tác hại của đốt lộ thiên. Các khóa tập huấn cũng được tổ chức tại 7 trường đại học với 18 khóa đào tạo và hàng loạt tài liệu, video trực tuyến hỗ trợ giảng dạy. Những hoạt động này đã giúp chuyển giao kiến thức và thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, dự án không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Việt Nam mà còn phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các kết quả của dự án, từ việc phát triển phương pháp viễn thám/GIS, xây dựng mô hình đánh giá chất lượng không khí đến các giải pháp công nghệ thay thế đều có tiềm năng lớn để nhân rộng trong nước và áp dụng tại các quốc gia có điều kiện tương tự như Lào, Campuchia, Thái Lan và Philippines.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề quan trọng như giám sát đốt lộ thiên theo mùa, đánh giá tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy bình đẳng giới trong nông nghiệp bền vững. Nội dung thảo luận sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch tiếp theo, mở rộng quy mô dự án và đưa những kết quả đạt được lan tỏa sâu rộng hơn.
Dự án đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam do Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Vương quốc Anh (DEFRA) tài trợ, được triển khai từ năm 2022 với sự tham gia của 25 tổ chức và hơn 150 chuyên gia trên cả nước.
Những nỗ lực từ dự án này đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ sức khỏe con người./.