Việc giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa nhằm hình thành cho học sinh ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung và Trà Vinh nói riêng.
TTXVN - Ngày 25/3, tại Trường Trung học Cơ sở Long Hiệp (xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh khai mạc các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa.
Theo đó, các hoạt động bao gồm: trình chiếu video clip hình ảnh về cuộc đời và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Trà Vinh, giới thiệu các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, các lễ hội truyền thống các dân tộc tiêu biểu; trình chiếu phim tư liệu các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội cúng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang), Nghệ thuật múa Rô Băm dân tộc Khmer, Lễ hội Ok Om Bok của dân tộc Khmer… Dự kiến các hoạt động diễn ra đến ngày 2/4/2023.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục tổ chức hoạt động này tại 3 điểm trường ở các huyện Cầu Ngang, Càng Long và Châu Thành.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Thạch Bồi cho biết, việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa nhằm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Qua đó giúp học sinh có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 53 di tích được công nhận, trong đó 37 di tích lịch sử cấp tỉnh và 16 di tích lịch sử quốc gia; 1 bảo vật quốc gia, gần 14.000 hiện vật và 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Các giá trị di sản văn hóa được bảo lưu trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu tâm lý và đời sống tâm linh của nhân dân địa phương./.