Giáo dục

Giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục - tháo gỡ nút thắt thừa, thiếu cục bộ

Dự thảo Luật Nhà giáo là một bước đột phá, thể hiện được tinh thần chuyển từ quản lý nhân sự sang quản lý nguồn nhân lực chiến lược.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh: TTXVN phát

Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay cũng là thời điểm dự án Luật Nhà giáo chính thức trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Một trong những điểm được cho là “đột phá” của dự thảo Luật là đề xuất “ngành Giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo”. Đến thời điểm này, trên nhiều diễn đàn khác nhau, đề xuất này nhận được khá nhiều ý kiến ủng hộ.

*Tháo gỡ bất cập trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ thực tiễn công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội về việc “Luật Nhà giáo ban hành phải tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế đối với nhà giáo”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Nếu điều này được thông qua sẽ tháo gỡ được một số bất cập.

Trước hết, đảm bảo chiến lược tổng thể và có tầm nhìn dài hạn về đội ngũ nhà giáo, xu hướng phát triển đội ngũ cũng như yêu cầu về chất lượng phù hợp với chiến lược tổng thể về giáo dục quốc gia. Bên cạnh đó, khắc phục được tình trạng tuyển không hết chỉ tiêu biên chế được giao trong khi tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra hầu khắp cả nước. Nguyên nhân là do ngành giáo dục đã có quy định định mức số lượng giáo viên dựa trên cơ sở khoa học về giáo dục nhưng nhiều địa phương không tuyển đủ định mức, dành chỉ tiêu để tinh giản biên chế...

Việc giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục cũng khắc phục được việc tuyển dụng người không phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo vì phương thức tuyển dụng chung giáo viên với viên chức ngành nghề khác; nội dung thi chưa gắn liền với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nhà giáo do việc tuyển dụng có yêu cầu bắt buộc là thực hành sư phạm. Không ai khác, ngành giáo dục mới có thể tổ chức thi, đánh giá việc thực hành sư phạm của người dự tuyển một cách khách quan, chính xác nhất.

Ông Vũ Minh Đức chia sẻ: Có một số lo ngại về việc giao quyền cho ngành giáo dục sẽ dẫn đến tình trạng tuyển dụng ồ ạt giáo viên cũng như vấn đề minh bạch, đảm bảo chất lượng tuyển dụng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhà giáo nằm trong số chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho ngành giáo dục (trên cơ sở quy định định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, được ngành Nội vụ thẩm tra, phối hợp với ngành giáo dục trình cấp có thẩm quyền), vì vậy sẽ không xảy ra tình trạng “phình” biên chế.

Bên cạnh đó, để thực hiện quy định trên của Luật, cơ quan soạn thảo phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo... trong đó, quy định quy trình, thủ tục, điều kiện tuyển dụng nhà giáo đảm bảo công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực. Mặt khác, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ngành Nội vụ và ngành giáo dục sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, thực hiện các cơ chế giám sát đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất này và cho đây là việc làm cần thiết.

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là cơ sở vật chất và con người. Thực tế, bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh, thay thế bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực. Trong đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quy trình tuyển dụng, mô hình quản lý nhân sự hiện nay do nhiều thủ tục hành chính, cộng thêm sự tách rời giữa vai trò và trách nhiệm trong tuyển dụng, phân bổ chỉ tiêu, đánh giá viên chức giáo viên đã không tránh khỏi những chuyện tiêu cực trong tuyển dụng. Dự thảo Luật Nhà giáo là một bước đột phá, thể hiện được tinh thần chuyển từ quản lý nhân sự sang quản lý nguồn nhân lực chiến lược.

Khi cơ quan quản lý giáo dục được giao trách nhiệm, sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên, ngành giáo dục có thể xác định rõ ràng hơn nhu cầu, mục tiêu và các biện pháp cần thiết để phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, điều này cần nghiên cứu đánh giá tác động thêm về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm. Nếu không, sự quan liêu hành chính, tiêu cực trước đây rất có thể chuyển vai sang cơ quan quản lý giáo dục địa phương - cấp trên của trường học.

Cô giáo Bùi Thị Phương Thảo, Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng hướng dẫn học sinh lớp 2 trong lớp học tình thương làm bài tập môn Toán học. 
Ảnh: Minh Thu - TTXVN

*Đảm bảo nguồn nhân lực cho giáo dục vùng khó

Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục tuyển dụng giáo viên, đặc biệt với những địa phương vùng khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho rằng, đề xuất ngành Giáo dục được chủ động trong tuyển dụng nhà giáo sẽ mang lại nhiều thuận lợi nếu được thông qua. Lâu nay, sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Nội vụ khá thuận lợi trong tuyển dụng nhưng cũng có những ràng buộc nhất định. Ví dụ, cách tính định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học của Bộ Nội vụ rất khó thực hiện cho vùng sâu, vùng xa khi có điểm trường lẻ. Chưa kể, có những điểm trường còn gặp khó khăn trong bố trí cho giáo viên dạy đủ số tiết. Cách giải quyết của các cơ sở giáo dục này là cho giáo viên kiêm nhiệm thêm các công việc hành chính của trường nhưng thầy cô lại không được đào tạo về công tác hành chính nên hiệu quả cũng có phần hạn chế... Điều này dẫn đến việc nếu không bố trí giáo viên thì trường thiếu nhân sự, còn bố trí giáo viên thì lại dôi dư ra. Do đó, khi được chủ động tuyển dụng giáo viên, ngành Giáo dục có thể tính toán và giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nghiêm trọng nhất cả nước. Hiện địa phương này đang còn thiếu 8.244 giáo viên so với định mức tối đa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Thức cho biết: Những năm qua, việc tuyển dụng giáo viên đối với khối Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố quản lý cơ bản được giao cho Phòng Nội vụ chủ trì tham mưu thực hiện còn Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có vai trò phối hợp. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ có vai trò phối hợp với Sở Nội vụ trong việc thẩm định kế hoạch tuyển dụng giáo viên. Vì vậy, ngành Giáo dục không chủ động được về thời gian, chỉ tiêu, cơ cấu, chất lượng giáo viên cần tuyển, gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy.

Không chỉ vậy, việc tuyển giáo viên hiện nay chủ yếu được thực hiện qua hình thức vấn đáp về kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, phương thức này lại không bao gồm phần kiểm tra thực hành sư phạm, tức là việc đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của ứng viên. Điều này dẫn đến tình trạng có thể bỏ sót những giáo viên có khả năng giảng dạy xuất sắc, nhưng lại không thể hiện đầy đủ năng lực của mình trong một cuộc phỏng vấn.

Một trong những vướng mắc hiện nay là nhiều địa phương trên địa bàn một tỉnh tổ chức tuyển dụng giáo viên cùng thời điểm sẽ dẫn tới tình trạng một số địa phương khu vực khó khăn thiếu nguồn giáo sinh để tuyển dụng do thí sinh sẽ ưu tiên lựa chọn các địa bàn thuận lợi. Hệ quả là các địa phương ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thường không tuyển đủ số lượng giáo viên theo chỉ tiêu đã được giao, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và việc duy trì hoạt động giảng dạy tại các trường học ở những khu vực này.

Theo ông Trần Văn Thức, việc giao quyền chủ trì tuyển dụng cho các cơ quan quản lý giáo dục sẽ giúp khắc phục được những khó khăn nêu trên. Đồng thời, với nguồn nhân lực như hiện nay và việc được biệt phái giáo viên từ cơ sở giáo dục về cơ quan quản lý giáo dục như tại dự thảo Luật Nhà giáo, ngành Giáo dục sẽ có đầy đủ nhân lực và các điều kiện khác để thực hiện việc tuyển dụng đội ngũ nhà giáo./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm