Văn hóa

Giới thiệu bản dịch tiếng Việt của 2 tác phẩm xuất sắc "Quản Tử" và "Quân vương"

Góc nhìn phương Đông và phương Tây trong hai cuốn sách vẫn thu hút được sự tranh luận từ các nhà nghiên cứu.

Bìa hai cuốn sách
Ảnh: Nhã Nam

Nhân dịp phát hành bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Quản Tử”, Công ty Truyền thông và Văn hóa Nhã Nam sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Thuật trị nước - Từ "Quản tử" đến "Quân vương" vào sáng Chủ nhật, ngày 16/6, tại The Wiselands Coffee - 17 Hạ Hồi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Vương, Ủy viên Hội đồng giáo sư ngành Văn học (thuộc Hội đồng Giáo sư nhà nước); Tiến sỹ sử học Vũ Đức Liêm, giảng viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Tiến sỹ văn học Mai Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Quản Trọng (tác giả của “Quản tử”) và Niccolò Machiavelli (tác giả của “Quân vương”) được biết đến như là hai nhân vật quan trọng đã đề xuất mô hình pháp trị, quân chủ, nhưng tư tưởng của họ, ngoài những điểm tương đồng, cũng có nét dị biệt, bởi những khác biệt về thời đại. Thông qua đó, các diễn giả sẽ thảo luận về tầm quan trọng, giá trị, tầm ảnh hưởng của Quản tử và Quân vương; Pháp gia và vị trí, tầm ảnh hưởng của Quản Trọng trong Pháp gia Trung Hoa; ảnh hưởng của Pháp gia đối với Việt Nam thời trung đại; một số tương đồng và khác biệt trong tư tưởng của Quản Trọng, Niccolò Machiavelli; khả năng phát triển, tiến hóa của thuật trị nước trong bối cảnh hiện nay.

“Quân vương” là trước tác nổi tiếng nhất của nhà triết học, sử học, nhà ngoại giao Niccolò Machiavelli. Đã gần năm thế kỷ kể từ lần đầu “Quân vương” được phát hành, tác phẩm kinh điển này vẫn được đọc rộng rãi và thu hút sự tranh luận từ các nhà nghiên cứu. Tác phẩm xuất sắc nhất của Niccolò Machiavelli không chỉ có giá trị nghệ thuật hay giá trị lịch sử mà còn bàn về các nguyên tắc lớn mà ngày nay vẫn đang dẫn dắt và có sức ảnh hưởng tới các quốc gia và nhà lãnh đạo trên thế giới.

Trải qua nhiều thăng trầm trước khi có được hình thức như ngày nay, “Quân vương” bao gồm 26 phần, cung cấp góc nhìn của Niccolò Machiavelli về quyền lực, nghệ thuật lãnh đạo, bản tính con người và chính sách ngoại giao, bao gồm những nội dung quan trọng như: Cách cai trị các vương quốc, vấn đề quân đội, những phẩm chất cần có của một quân vương, các bề tôi của quân vương.

“Quản tử - Thuật cai trị đất nước của bậc đế vương” là tác phẩm kinh điển của Quản Trọng - chính trị gia, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Xuân Thu của Trung Quốc. Đây là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về chính trị xã hội, kinh tế, quân sự, luật pháp, văn hóa và các khía cạnh khác của Trung Quốc, đặc biệt là thời Xuân Thu.

Trong kho tàng thư tịch kinh điển Trung Quốc, “Quản tử” là cuốn sách có nội dung khá phong phú với 86 thiên, tổng hợp tư tưởng học thuật của Đạo gia, Pháp gia, Nho gia, Danh gia, Binh gia, Nông gia, Âm dương gia…

“Quản tử” không những tạo được nền tảng triết học cho chính trị pháp quyền mà  còn đưa tư tưởng Đạo gia vào sâu trong các vấn đề xã hội và con người thời đó; không chỉ vạch ra những kế hoạch cụ thể để cai trị đất nước bằng pháp luật mà còn coi trọng vai trò cơ bản của giáo dục đạo đức đối với dân chúng. Tác phẩm không chỉ xác định thể chế chính trị quân chủ là cốt lõi, còn chủ trương lấy con người làm gốc, thúc đẩy sự phát triển cân bằng giữa nông nghiệp, thủ công nghiệp và buôn bán.

“Được biết đến như là hai chính trị gia đề xuất mô hình Pháp trị, quân chủ nhưng Quản Trọng và Niccolò Machiavelli, bởi những khác biệt về bối cảnh chính trị xã hội mà cả hai thuộc về, nên tư tưởng của họ cũng có điểm vừa tương đồng, vừa dị biệt.

Trải qua hàng thế kỷ, những vấn đề được đề cập đến trong hai cuốn sách “Quản tử” của Quản Trọng, từ góc nhìn phương Đông và “Quân vương” của của Niccolò Machiavelli, từ góc nhìn phương Tây vẫn đầy lý thú và thu hút được sự tranh luận từ các nhà nghiên cứu./.

Phúc Hằng

Xem thêm