Văn hóa

Giữ gìn nghệ thuật trình diễn dân gian hát Đúm

Hải Phòng

Hát Đúm, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, gắn bó với người dân Thủy Nguyên từ bao đời nay.

Hát Đúm, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, gắn bó với người dân Thủy Nguyên từ bao đời nay. Đây không chỉ là một hình thức biểu diễn nghệ thuật mà còn là cách thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng, là nơi lưu giữ những truyền thuyết, phong tục tập quán truyền thống của địa phương. Trải qua những thăng trầm, hiện hát Đúm đang được nhiều câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Thủy Nguyên gìn giữ, phát triển.

Nghệ nhân các câu lạc bộ hát Đúm tại Thủy Nguyên biểu diễn. 
Ảnh: Minh Thu- TTXVN

*Lối hát mộc mạc

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Như Hăng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Đúm phường Lập Lễ, thành phố Thủy Nguyên, khởi nguồn của hát Đúm bắt đầu từ các xã Lập Lễ, Phả Lễ, Phục Lễ (nay là các phường Lập Lễ và phường Nam Triệu Giang). Đây là các vùng đất ven biển, người dân làm việc vất vả nên thường cất lên lời hát để xua tan mệt nhọc. Hát Đúm không giống các loại hình nghệ thuật khác vì không có nhạc đệm hay hòa âm phối khí. Cái hay của Đúm nằm ở giọng hát người biểu diễn và lời hát. Lời hát trong hát Đúm theo lối đối đáp giữa bên nam và bên nữ. Nội dung đối đáp càng tương đồng, sâu sắc, phần biểu diễn càng hay. Hát Đúm có trên 10 lối hát như hát mừng, hát chào; hát huê tình; mời trầu, rượu; chơi nhà; hát đố giảng; hát cưới... Cùng với giữ lại các lời hát cổ, sau này, lời hát có thêm nhiều nội dung mới về sự phát triển của quê hương đất nước, xây dựng nông thôn mới.

Cụ Vũ Văn Bút, 98 tuổi và cụ Đinh Thị Rứi, 85 tuổi là 2 bậc cao niên về hát Đúm của thành phố Thủy Nguyên. 
Ảnh: Minh Thu- TTXVN

Cụ Đinh Thị Rứi, 85 tuổi, hiện sinh sống ở phường Lập Lễ, là bậc cao nhân về hát Đúm. Theo cụ, cách đây khoảng 40 năm, dân làng Lập Lễ bắt đầu quay lại hát Đúm vào các dịp hội làng. Lúc đầu, cụ chỉ lên tham gia hát phong trào nhưng sau được nhiều người khen ngợi nên cụ tiếp tục đi hát. Dù hiện tại đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Đinh Thị Rứi vẫn đến các buổi giao lưu hát Đúm và vẫn hát tặng bà con dân làng. Theo cụ, hát Đúm không có hay, có dở, bởi tất cả đều là sự gửi gắm tình cảm mộc mạc của người hát trong lời hát. Cụ thấy vui vì hát Đúm ngày càng phát triển ở Thủy Nguyên thông qua các hội thi từ cấp phường đến cấp thành phố.

Với những giá trị độc đáo, năm 2018, hát Đúm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

*Giữ gìn, phát huy giá trị di sản

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Như Hăng, sau một thời gian dài hát Đúm xuất hiện thưa vắng, từ khoảng năm 2005, Câu lạc bộ hát Đúm phường Lập Lễ bắt đầu hoạt động sôi nổi thông qua các hoạt động giao lưu, học hỏi và sự truyền lửa của những nghệ nhân đi trước. Hát Đúm cũng đã được đưa vào các trường học trên địa bàn thành phố Thủy Nguyên, để các em học sinh hiểu về nguồn cội, cũng như thấm nhuần các giá trị nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại.

Từ năm 2023, Lễ hội hát Đúm lần đầu tiên được Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên tổ chức, ở quy mô cấp huyện (nay là thành phố) và duy trì từ đó đến nay.

Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Như Hăng (phải), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Đúm, phường Lập Lễ, thành phố Thủy Nguyên là người giữ vai trò nòng cốt trong bảo tồn, phát triển hát Đúm.
 Ảnh: Minh Thu- TTXVN

Lễ hội hát Đúm Thủy Nguyên năm 2025 diễn ra trong 2 ngày 4 và 5 tháng Giêng (1 và 2/2/2025) quy tụ 9 Câu lạc bộ của toàn thành phố tham gia. Phát biểu tại lễ hội, ông Uông Minh Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên cho biết, lễ hội là dịp để mọi người thưởng thức những màn trình diễn hát Đúm đặc sắc, giao lưu với các nghệ nhân và hòa mình vào các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian thú vị. Đây chính là dịp để chia sẻ niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của thành phố, đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh Thủy Nguyên đến với bạn bè trong và ngoài thành phố.

Ông Uông Minh Long tin tưởng, cùng với sự phát triển của thành phố Thủy Nguyên, Lễ hội hát Đúm Thủy Nguyên sẽ trở thành ngày hội văn hóa tiêu biểu, được tổ chức ngày càng ấn tượng, quy mô và chuyên nghiệp. Các nghệ nhân sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tác các tác phẩm chất lượng, gần gũi với cuộc sống trong thời kỳ hội nhập và chủ động đề xuất những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác truyền dạy để hát Đúm Thủy Nguyên ngày càng phát triển./.

Nguyễn Thị Minh Thu

Xem thêm