Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Hỗ trợ người dân đăng nhập ứng dụng VNeID để tham gia ý kiến
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 757.463 tài khoản định danh điện tử mức 2 để người dân tham gia góp ý trên ứng dụng VNeID, hàng ngày có trên 13.000 tài khoản người dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Tại Sóc Trăng, những ngày này, chính quyền, lực lượng công an ở các địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/5/2025.
*Quyết liệt từ cơ sở
Những ngày này, lực lượng Công an Phường 2 (thị xã Ngã Năm) phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng ở các khóm tiến hành tuyên tuyền, hướng dẫn người dân tham gia góp ý kiến đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hiện đơn vị đang xếp thứ 2 toàn tỉnh về việc tuyên truyền hỗ trợ người dân góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Trung tá Phan Minh Đương, Trưởng Công an Phường 2 (thị xã Ngã Năm) cho hay, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chúng tôi đã thành lập 13 tổ phục vụ công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia đóng góp ý kiến, trong đó có cảnh sát khu vực, tổ công nghệ số cộng đồng và cán bộ khóm. Đến nay đã có hơn 13.000 tài khoản người dân tham gia góp ý trên ứng dụng VNeID, đạt tỷ lệ hơn 65%.
Cũng theo Trung tá Phan Minh Đương, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức lấy ý kiến trong giờ hành chính, lực lượng còn tăng cường vào ban đêm từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày, để lấy được ý kiến của các trường hợp đi làm cả ngày chỉ ở nhà vào buổi tối. Riêng những trường hợp người già không sử dụng điện thoại thông minh, chính quyền địa phương hỗ trợ đăng nhập VNeID để cho người dân góp ý.
Bí thư Chi bộ khóm Tân Thành A, Phường 2 (thị xã Ngã Năm) Nguyễn Minh Triết cho biết, Chi bộ đã phân công từng đảng viên phụ trách từng khu dân cư, phối hợp với lực lượng công an khu vực để tuyên truyền, hỗ trợ người dân đăng nhập ứng dụng VNeID để góp ý. Đối với những trường hợp người dân đi làm ăn xa ở thành phố lớn (có hộ khẩu ở địa phương), chính quyền địa phương nhờ người nhà liên hệ, hướng dẫn để thực hiện góp ý.
Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong cho biết, thị xã có khoảng 62.404 tài khoản ứng dụng VNeID, hằng ngày có trên 2.500 lượt tài khoản tham gia góp ý và đến nay đạt tỷ lệ trên 60%. Cùng với việc góp ý vào dự thảo Nghị quyết trên ứng dụng VNeID, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tổ chức các hội nghị lấy ý kiến cán bộ, đảng viên. Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, công chức, viên chức đã tích cực nghiên cứu và tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chất lượng đối với nội dung dự thảo Nghị quyết.
Ông Kim Thái Phong cho biết thêm, UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách thức tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết qua ứng dụng VNeID để các tầng lớp nhân dân chủ động tham gia đóng góp ý kiến, dự kiến hoàn thành trước ngày 29/5/2025.
*Phát huy tính dân chủ
Được chính quyền, lực lượng công an và đoàn thể địa phương tuyên truyền, hướng dẫn tham gia góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chị Lưu Vương Ngọc, Phường 7 (thành phố Sóc Trăng) cho biết, qua nghiên cứu các nội dung liên quan, bản thân đồng tình cao với chủ trương, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này. Đây là việc làm rất cần thiết để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn đầu mối hiện nay và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cuộc ở Phường 2 (thị xã Ngã Năm), phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 nhằm kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Các nội dung đều nhận được sự đồng thuận cao của người dân địa phương.
Tương tự, ông Nguyễn Tú Lâm ở Phường 2 (thị xã Ngã Năm) cho biết, được chính quyền địa phương tuyên truyền, với trách nhiệm của công dân, ông đã tích cực nghiên cứu và tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ông Lâm đồng tình, thống nhất cao với nội dung sửa đổi, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Điều 110 theo hướng quy định mô hình địa phương 2 cấp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.
Theo ông Lưu Văn Xem, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, qua tuyên truyền, phổ biến và lấy ý kiến, các cơ quan, tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh nhận được 1.433.205 lượt ý kiến góp ý. Trong đó, có 65.079 lượt ý kiến của cơ quan, Mặt trận Tổ quốc địa phương và 1.368.126 lượt ý kiến của cá nhân, tất cả đều thống nhất cao theo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 757.463 tài khoản định danh điện tử mức 2 để người dân tham gia góp ý trên ứng dụng VNeID, hằng ngày có trên 13.000 tài khoản người dân tham gia góp ý, đến nay số tài khoản người dân tham gia góp ý đạt trên 50%. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, việc góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được tỉnh Sóc Trăng triển khai quyết liệt nhưng đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã có công văn đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai, quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 để tham gia góp ý trên ứng dụng VNeID. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động, triển khai tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID./.
- Từ khóa:
- Góp ý
- sửa đổi Hiến pháp
- VNeID