Quốc hội với Cử tri

Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Tạo hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Thanh Hóa

Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013…

h

Toàn cảnh Hội nghị. 
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 26/5, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam nhấn mạnh, Hiến pháp là đạo luật gốc cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định những nguyên tắc nền tảng về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; do đó, mọi sự thay đổi, điều chỉnh trong Hiến pháp đều tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, pháp lý và xã hội. Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, nước ta đã có 5 bản hiến pháp đó là Hiến pháp năm 1946, 1959,1980,1992 và 2013.

Việc Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 vào thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng. Trong đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị hành chính theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Đảng tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng hoàn thiện thể chế hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước nhanh bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghiên cứu kỹ toàn bộ nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013…

Các đại biểu tham gia góp ý kiến tại hội nghị. 
Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm tạo hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Các đại biểu cho ý kiến cụ thể, tập trung vào các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, khoản 1 Điều 114, khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013, bám sát chủ trương và định hướng về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Cùng với đó, các đại biểu thể hiện sự đồng tình, thống nhất rất cao về sự cần thiết về phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Các đại biểu khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã, kiện toàn HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021- 2026, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Các ý kiến đóng góp cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ nhằm không chỉ nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển cho các ngành, địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Lại Thế Nguyên nhấn mạnh Hiến pháp là đạo luật gốc, căn cứ vào hiến pháp các văn bản pháp luật việc sửa đổi Hiên pháp thời điểm nào, ở phạm vi nào cũng là việc hệ trọng của đất nước. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được lấy ý kiến rộng rãi, khách quan với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị. 
Ảnh: TTXVN phát

Sau hội nghị, để tiếp tục hoàn thành lấy ý kiến nhân dân theo đúng kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy, ông Lại Thế Nguyên đề nghị Thường trực HĐND cấp huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị ở mỗi địa phương nâng cao nhận thức, tích cực trách nhiệm trong việc tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, nếu có ý kiến góp ý thêm về dự thảo Nghị quyết, gửi về Thường trực HĐND tỉnh để tổng hợp tham mưu với Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Các Ban của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, gửi báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 29/5./.

Khiếu Thị Tư

Tin liên quan

Xem thêm