Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Phát huy quyền làm chủ, ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ngày 20/5, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, nguyên lãnh đạo Trung ương Hội, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.
* Đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuyển đổi số, kinh tế xanh, bảo vệ chủ quyền
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam Phan Như Nguyện khẳng định: Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân không chỉ nhằm phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, còn là dịp để lắng nghe, tiếp thu những hiến kế thiết thực, tâm huyết nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và đồng thuận xã hội cao của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội khẳng định: Hiến pháp cần được cập nhật để đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuyển đổi số, kinh tế xanh, bảo vệ chủ quyền, dân chủ và quyền con người.
Đối với Điều 1, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An đề nghị bổ sung thêm về các quyền (con người và công dân) trong thời đại số, như: quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận Internet, bởi đây là giải pháp hữu hiệu công bằng với mọi người dân và không ai sẽ bị bỏ lại phía sau, đặc biệt đối với nông dân, phụ nữ ở những vùng dân trí còn thấp. Đồng thời, cần nhấn mạnh chủ quyền biển đảo với việc bổ sung thêm nội dung: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển đảo theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".
Bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An phân tích: Hiến pháp 2013 quy định: Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là nơi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Bà rất đồng tình ở khoản 1 Điều 9 thêm cụm từ "bộ phận", nó có ý nghĩa khẳng định vị trí chính trị pháp lý của Mặt trận trong mối quan hệ gắn bó, phối hợp với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác; để không hiểu nhầm Mặt trận chỉ là tổ chức vận động quần chúng đơn thuần; cũng tạo cơ sở để tăng cường thể chế hóa vai trò của Mặt trận trong tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách và giám sát quyền lực.
* Đề xuất nghiên cứu đặc thù riêng của các tổ chức
Góp ý về khoản 2, Điều 9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An đề xuất nghiên cứu cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam. Trong đó, Mặt trận có quyền trình dự án trước Quốc hội, trình dự án Pháp lệnh trước Thường vụ Quốc hội bởi MTTQ Việt Nam là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ nhân dân và các tầng lớp xã hội. Thêm nữa, việc thực hiện quyền này là đảm bảo cho nhân dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất, thông qua đại diện hợp pháp là Mặt trận. Điều này rất phù hợp với yêu cầu phát huy dân chủ và trách nhiệm giám sát quyền lực theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng. Đồng thời, giữ nguyên quyền trình dự án Luật cho 5 tổ chức chính trị - xã hội là thành viên trực thuộc, để các tổ chức này được quyền trình dự án Luật đặc thù theo đối tượng của mình (phụ nữ, nông dân, Công đoàn...), phải nghiên cứu những đặc thù riêng cho các tổ chức này, mới có các chủ trương phù hợp, hiệu quả.
Mang tiếng nói từ cơ sở, ông Nguyễn Đắc Ngọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng cần làm rõ nội hàm khái niệm "trực thuộc" trong quy định tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Nghị định: "các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam" để tránh dẫn đến cách hiểu không thống nhất. Trên thực tế, các tổ chức chính trị -xã hội tuy có quan hệ phối hợp chặt chẽ, gắn bó về hệ thống với Mặt trận, nhưng vẫn hoạt động tương đối độc lập theo Điều lệ. Do đó, nếu sử dụng thuật ngữ “trực thuộc”, cần có sự cắt nghĩa rõ ràng, để tạo sự thống nhất trong áp dụng và nhận thức từ trung ương đến địa phương.
Về khoản 3 Điều 9 quy định "các tổ chức thành viên của Mặt trận" song chưa phản ánh đầy đủ cơ chế phối hợp thực chất và hiệu quả giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên trong thực tiễn, vì vậy cần bổ sung quy định hoặc có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm phối hợp, tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng chính sách, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của hội viên nông dân, như nông nghiệp, nông thôn, an sinh xã hội...
Việc làm rõ nội hàm giữa "trực thuộc" và "thành viên" không chỉ có ý nghĩa lý luận, còn bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi cho quá trình thực hiện ở cấp xã, nơi các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp triển khai nhiệm vụ cùng Mặt trận. Nếu nội dung chưa được làm rõ, có thể gây lúng túng, chồng chéo trong chỉ đạo và thực thi chính sách ở cơ sở. Hội Nông dân xã Yên Sở kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét hoàn thiện Điều 9 theo hướng rõ ràng, chặt chẽ, thống nhất về nội hàm và phạm vi áp dụng các khái niệm "trực thuộc" và "thành viên"; đồng thời bổ sung quy định về cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy đầy đủ vai trò của nhân dân thông qua các tổ chức đại diện hợp pháp.
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung góp ý vào một số nhóm vấn đề: các quy định của Hiến pháp liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam (Điều 9, Điều 10, Điều 84…); về quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về việc chuyển đổi sang mô hình 2 cấp chính quyền (tỉnh và cơ sở). Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về các điều kiện cần thiết để đảm bảo hiệu quả thực thi khi áp dụng mô hình mới ở các địa phương có đặc thù miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi có đông nông dân sinh sống; về quy định chuyển tiếp, cơ chế vận hành không gián đoạn khi tổ chức lại chính quyền địa phương./.