Thời sự

Hà Nội tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực

Hà Nội

Thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút, xúc tiến đầu tư các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng được công nhận danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2023. 
Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Trong quá trình phát triển Thủ đô, Hà Nội tạo điều kiện cho mọi ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư vào địa bàn. Tuy nhiên, thành phố đang ưu tiên đặc biệt và có chọn lọc cho sản phẩm chủ lực, có sự định hướng, nhằm dẫn dắt đầu tàu cho nền kinh tế.

Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách, văn bản pháp lý và kế hoạch hành động cụ thể để hỗ trợ tài chính, khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu…

UBND thành phố xác định các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hỗ trợ của thành phố như: Ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất vốn vay, lãi suất sau đầu tư, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Thành phố cũng ưu tiên thu hút, xúc tiến đầu tư các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố và các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chất lượng nhằm mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố được tham gia học tập kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước trong các Chương trình xúc tiến của thành phố và quốc gia.

Hằng năm, thành phố hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ như: Tổ chức Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với doanh nghiệp của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Điều này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại để đầu tư vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Thành phố triển khai các chương trình, kế hoạch khoa học công nghệ gắn với việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại. Ngoài ra, tạo môi trường gắn kết giữa doanh nghiệp với các cá nhân, tổ chức khoa học công nghệ nhằm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất.

Phát triển nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực cần thiết, thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao trình độ quản lý, hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Qua sự quan tâm đặc biệt, cũng như có nhiều cơ chế khuyến khích nên thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại mà thành phố đang đúc kết để có các giải pháp tối ưu. Chẳng hạn, hiện nay chưa khẳng định vai trò động lực phát triển của sản phẩm công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế Thủ đô.

Việc liên kết hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với nhau cũng chưa thực sự chặt chẽ, chưa gắn kết các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL trong vai trò hạt nhân, thúc đẩy, lôi kéo các doanh nghiệp khác tham gia hình thành chuỗi sản xuất... Ngoài ra, việc triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực sau khi được công nhận còn hạn chế. Đồng thời, chưa có một cơ chế hỗ trợ đủ mạnh mang tính đồng bộ và kiến tạo, thúc đẩy phát triển nâng tầm sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp chủ lực.

Hơn nữa, việc trợ giúp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm; đổi mới và cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường... còn khiêm tốn…

Hà Nội đang phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố; giá trị sản xuất của doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố tăng 10 - 12% so với năm 2020, đóng góp 35 - 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố.

Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND thành phố triển khai các nhóm nhiệm vụ như tới đây sẽ xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách hấp dẫn cho phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Thành phố Hà Nội giao trách nhiệm cho từng sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực./.


Văn Cảnh - Ngọc Lưu

Tin liên quan

Xem thêm