UBND thành phố Hà Nội quan tâm bằng các cơ chế, chính sách, phân cấp ủy quyền, cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển các dự án văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai dự án.
UBND thành phố Hà Nội đã đối thoại, lắng nghe và hiểu rõ hơn khó khăn các doanh nghiệp đang đối mặt, từ đó, đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả, thúc đẩy phát triển dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Cường, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec nêu ý kiến, thành phố cần có biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đầu tư tại Hà Nội...
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển công nghệ giáo dục Việt Nam cho rằng, việc Giấp phép lao động cho giáo viên người nước ngoài gặp khó khăn đối với nhóm giáo viên dạy chương trình bổ trợ tại các trường phổ thông.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, trong lĩnh vực y tế, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa. Đôi khi doanh nghiệp còn hiểu chưa đầy đủ dẫn đến vô tình vi phạm. Ở lĩnh vực văn hóa, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, việc thực hiện Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật gặp một số khó khăn trong cấp phép địa điểm tổ chức; xác minh nguồn gốc, xuất xứ và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh; cấp phép tổ chức triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu, đến nay, các trường học công lập tại Hà Nội còn thiếu (do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt) hoặc thiếu đất xây dựng trường (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành); quỹ đất mới, đất trống để bổ sung không còn. Một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp nhiều khó khăn do vướng Luật đê điều.
Ngoài ra, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục đối với doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp khó khăn. Về việc bổ sung cấp học, khi giao đất để xây dựng trường học cho các doanh nghiệp thường được quy hoạch chỉ một cấp học nhưng thực tế hoạt động hiện nay, doanh nghiệp muốn phát triển trường tư thục có nhiều cấp học liên thông. Nhưng việc bổ sung thêm cấp học gặp khó khăn do liên quan đến thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cần xin ý kiến nhiều sở, ngành.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian tới, UBND thành phố quan tâm bằng các cơ chế, chính sách, phân cấp ủy quyền, cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững. Ông Trần Sỹ Thanh giao sở, ngành liên quan phân loại các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Những vấn đề thuộc thẩm quyền thì giải quyết sớm, đồng thời kiến nghị Trung ương những nội dung vượt thẩm quyền.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, hiện nay, việc cấp phép cho lao động nước ngoài thực hiện theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài quy định của Trung ương, Hà Nội không ban hành quy định riêng. Thành phố luôn tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính cho các đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm. Mặt khác, gần đây, trong việc cấp phép cho người lao động nước ngoài, Sở đã thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tiếp tục ủy quyền cho quận, huyện, thị xã.
Về những băn khoăn của Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Cường, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư luôn là định hướng trọng tâm của thành phố để tạo nguồn lực từ thu hút đầu tư phát triển, nhất là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, thành phố luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đến đầu tư tại Hà Nội.
Thành phố tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép và thủ tục liên quan đến đầu tư y tế, giảm bớt giấy tờ và quy trình phức tạp; công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư; nỗ lực đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh…
Thành phố ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 về chính sách ưu đãi tiền thuê đất với một số lĩnh vực, trong đó có y tế (giảm 60% tiền thuê đất đối với 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; miễn tiền thuê đất đối với các quận, huyện còn lại khi đáp ứng đủ điều kiện).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, về giáo dục và đào tạo, thành phố đã đầu tư mạnh mẽ để xây dựng và nâng cấp các trường học từ mẫu giáo đến đại học. Thành phố cải thiện điều kiện và trang thiết bị học tập; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bằng đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên và áp dụng công nghệ trong giảng dạy.
Hà Nội mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện, phòng khám và trung tâm y tế cộng đồng.
Với lĩnh vực văn hóa, thành phố nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản, gồm di tích lịch sử, công trình kiến trúc và lễ hội truyền thống. Thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh và quảng bá di sản. Những kết quả này phản ánh sự cam kết của Hà Nội trong phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân qua các lĩnh vực trọng yếu./.