Hải Dương phấn đấu thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về quy mô kinh tế của cả nước.
TTXVN - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành nghị quyết để hiện thực hóa, sớm đưa Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào thực tiễn địa phương.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, trong những năm qua, tuy tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách nhưng kinh tế của tỉnh tăng trưởng chưa bứt phá. Cơ cấu thu ngân sách của Hải Dương chưa thực sự bền vững, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Cải cách hành chính của tỉnh còn nhiều điểm nghẽn; môi trường đầu tư, kinh doanh trên một số lĩnh vực chậm được cải thiện; chưa thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Tiến độ thực hiện một số công trình kết nối vùng còn chậm...
Để thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, từ nay đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hướng đến là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về quy mô kinh tế của cả nước. Tăng trưởng GRDP đạt bình quân trên 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2030 đạt 48%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm; đạt 40,5 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân; tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99%. Số hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị và nông thôn đạt 100%. Tất cả 100% khu công nghiệp và các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%
Đến năm 2045, Hải Dương phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, có quy mô kinh tế lớn, cơ cấu kinh tế phù hợp, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Hải Dương tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển; đẩy mạnh liên kết, phát triển kinh tế vùng như: đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt Quy hoạch của tỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý quy hoạch, kế hoạch và thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật. Tỉnh hình thành các vùng động lực và các khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics; phát triển các chuỗi đô thị hiện đại gắn với kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối. Địa phương phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đa dạng theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Hải Dương cũng phát triển bền vững hệ thống đô thị và hệ thống kế cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại như: tập trung cải tạo chỉnh trang khu trung tâm thành phố Hải Dương, đồng thời mở rộng không gian phát triển đô thị hai bên bờ sông Thái Bình, sông Sặt. Tỉnh tập trung phát triển thành phố Hải Dương, Chí Linh, thị xã Kinh Môn theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại; phát triển các đô thị để đến năm 2030, Hải Dương có khoảng 24 đô thị. Tỉnh đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển trung tâm hành chính tỉnh, tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi đô thị; tập trung cải tạo, có chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa; đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng số hiện đại; các công trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải, chống úng, ngập.
Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện tốt nội dung phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia; chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số; tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ. Tỉnh còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết và đảm bảo tỷ lệ chi cho khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm.
Hải Dương tập trung phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gia tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; thu hút nhân tài cấp quản lý, chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp; thực hiện tốt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”. Đồng thời, tỉnh phát triển các thiết chế văn hóa, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của nhân dân; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của nền văn minh sông Hồng; phát triển hệ thống an sinh xã hội, y tế toàn diện, phổ cập và hiện đại...
Bên cạnh phát triển kinh tế, Hải Dương cũng tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững đất đai; rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với dự án không đúng quy hoạch, sai mục đích, chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng. Tỉnh từng bước hiện đại hóa cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh; tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách; thực hiện tốt nội dung Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Tỉnh tiếp tục bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Bên cạnh đó, Hải Dương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; bố trí, sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác khác đối với những cán bộ, đảng viên không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…/.