Hải Phòng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn mới
Sau khi hoàn thành việc sắp xếp, Hải Phòng có 15 đơn vị cấp huyện (8 quận, 6 huyện và 1 thành phố); 167 đơn vị hành chính cấp xã.
Trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Hải Phòng, thành phố đã triển khai những cải tiến đột phá, tận dụng tối đa công nghệ và dữ liệu lớn để định hình các khu vực hành chính một cách hợp lý, tối ưu hóa tài nguyên và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhờ vậy, thành phố đã giải quyết được các vấn đề hiện tại, đưa ra định hướng phát triển lâu dài, bền vững cho tương lai.
Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, thành phố đã triển khai xây dựng 3 Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn. Cụ thể: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hải Phòng; Thành lập thành phố Thủy Nguyên; Thành lập quận An Dương và mở rộng quận Hồng Bàng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết: Với 3 đề án trên, thành phố thực hiện sắp xếp 4/15 đơn vị hành chính cấp huyện và 101/217 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 47% tổng số đơn vị hành chính cấp xã toàn thành phố) để thành lập 51 đơn vị hành chính cấp xã mới (các đơn vị hình thành sau sắp xếp đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định), giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 23% số đơn vị hành chính cấp xã). Sau khi hoàn thành việc sắp xếp, Hải Phòng có 15 đơn vị cấp huyện (8 quận, 6 huyện và 1 thành phố); 167 đơn vị hành chính cấp xã.
Thành phố chuẩn bị các điều kiện để các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động theo đúng quy định khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2025). Đồng thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân khi triển khai nghị quyết này; tạo động lực tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương.
Tại thời điểm xây dựng Đề án, theo báo cáo của các địa phương, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Hải Phòng sẽ dôi dư 1.147 người (gồm 840 cán bộ, công chức cấp xã và 307 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).
Theo quy định, lộ trình giải quyết số lượng cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo chậm nhất sau 60 tháng (5 năm) kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành. Trường hợp đặc biệt, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề quan trọng. Do vậy, trong quá trình xây dựng Đề án, thành phố Hải Phòng đã có các bước chuẩn bị hết sức chủ động, bài bản. Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố và UBND thành phố đã chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quan trọng và thực hiện các giải pháp phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Căn cứ các quy định và chỉ đạo của thành phố, các địa phương đã xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp đối với 1.147 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nêu trên. Cụ thể như: Cho nghỉ công tác đến nhiệm kỳ mới (50 người); chuyển sang công chức đối với cán bộ cấp xã là 141 người; tinh giản biên chế hoặc thôi việc đối với 547 người (152 cán bộ cấp xã, 122 công chức cấp xã và 273 người hoạt động không chuyên trách); bố trí sang địa phương khác đối với 284 người (45 cán bộ cấp xã, 205 công chức cấp xã và 34 người hoạt động không chuyên trách) và phương án khác đối với 125 người.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 vừa qua), UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 19/7/2024 về chính sách hỗ trợ đối tượng tinh giản biên chế, đối tượng tự nguyện nghỉ công tác trước tuổi tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố Hải Phòng.
Đồng thời, Hải Phòng thực hiện tốt công tác vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ kinh phí, chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư giúp họ ổn định cuộc sống sau khi nghỉ công tác./.
- Từ khóa:
- Hải Phòng
- đơn vị hành chính
- cấp huyện
- cấp xã