Thời sự

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo

Ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành Giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành Giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Cũng trong sáng 20/11, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-23/11 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Armenia do Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan dẫn đầu đã dự thính phiên họp toàn thể của Quốc hội.

*Tháo gỡ tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành Giáo dục, đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa) cho biết, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức phát biểu. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu chỉ rõ, việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo. Cùng với đó, việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương cơ quan chuyên môn là Phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn...

Do đó, đại biểu đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.

"Đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn nhất là ngày càng trầm trọng về tình trạng thừa, thiếu giáo viên từ nhiều năm nay tại các địa phương", đại biểu nhấn mạnh.

Góp ý về vấn đề tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho biết, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng thừa/thiếu giáo viên cục bộ. Việc tuyển dụng giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thậm chí có những địa bàn không tuyển dụng được giáo viên. Đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất đầu mối quản lý giáo dục, phân cấp, phân công hợp lý để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo.

Về tiền lương và chế độ đãi ngộ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ; rà soát, điều chỉnh về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý ở các cơ sở giáo dục.

*Đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) bày tỏ tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội để từ đó tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với thực tế, đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng trong ngành. Nhất là chế độ thu hút nói chung, thu hút vùng miền nói riêng, phụ cấp ưu đãi nghề, ưu đãi trong các cấp học, chế độ biệt phái, điều động, chế độ nghỉ hè, đào tạo, bồi dưỡng... nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục./.

Phan Thu Phương

Tin liên quan

Xem thêm