Xây dựng Đảng

Hải Phòng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Hải Phòng

Chỉ thị số 40-CT/TW đã đánh dấu sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. 
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 30/7, Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Tại Hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW đã đánh dấu sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là đã tập trung được các nguồn lực để thực hiện các chương trình Quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội với phương châm tập trung cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội nghị. 
Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, 100% đơn vị cấp thành phố, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương qua Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Bên cạnh đó, ngày 18/1/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tại khoản 6 Điều 4 có quy định rõ "các nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội làm căn cứ các địa phương triển khai thực hiện".

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị, bên cạnh việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, thành phố và các quận, huyện cần tăng nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội hằng năm. Phấn đấu đến năm 2030, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 20% trở lên/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, bảo đảm thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2030 tại Quyết định số 05/QĐ-TTg, ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: TTXVN phát

Các địa phương, đơn vị chức năng rà soát các chương trình, đề án, nghị quyết của Trung ương và thành phố để xây dựng Kế hoạch cho vay, cơ cấu lĩnh vực cho vay phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế - xã hội thành phố; ưu tiên dành nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình cho vay, hỗ trợ thủ tục vay vốn bảo đảm rút ngắn tối đa thời gian; nghiên cứu xây dựng Đề án ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2030 để cho vay đối với các đối tượng còn khó khăn nhưng không thuộc đối tượng cho vay theo quy định của Chính phủ...

Giai đoạn 2015-2024, tổng nguồn vốn bố trí từ ngân sách thành phố, các quận, huyện ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội là 558 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt gần 628 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12%/tổng nguồn vốn, tăng gấp 8 lần so với trước khi Chỉ thị 40-CT/TW được ban hành.

Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại Hải Phòng, nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho 79.406 hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; hỗ trợ 72.107 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 101.736 lao động có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và tự tạo việc làm; hỗ trợ xây dựng 518.380 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 3.702 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, đến nay, nợ quá hạn tại Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hải Phòng là 5.432 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%/tổng dư nợ; có 113/218 xã không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 52%).

PV

Xem thêm