Hậu Giang: Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thời gian qua, Hậu Giang thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Nhờ đó, nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có chuyển biến.
TTXVN - Sáng 7/5, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và người dân. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách này, địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời có chính sách tốt hơn đối với bảo hiểm tự nguyện; nâng cao chất lượng phục vụ của cơ sở khám, chữa bệnh công lập; có các gói bảo hiểm tự nguyện phù hợp với thu nhập của từng đối tượng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, tỉnh thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Nhờ đó, nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có chuyển biến. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đã từng bước hiện đại hóa. Việc mở rộng, phát triển người tham gia bảo hiểm đạt và vượt chỉ tiêu; việc giải quyết các chế độ bảo hiểm đảm bảo kịp thời, đúng quy định; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từng bước được nâng lên. Các chính sách, chế độ bảo hiểm được triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được quan tâm.
Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận người dân khi tham gia bảo hiểm y tế chưa đầy đủ nên việc vận động, tuyên truyền trong một số đối tượng còn khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa có mô hình vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hiệu quả, bền vững. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm vẫn còn xảy ra ở một số doanh nghiệp. Chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu của người dân; danh mục thuốc bảo hiểm chưa được cung ứng đầy đủ...
Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn sẽ ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của đại biểu về việc giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở xã, phường; chênh lệch chế độ giữa tham gia bảo hiểm tự nguyện và bắt buộc để gửi tới Quốc hội. Bà Lê Thị Thanh Lam đề nghị, UBND tỉnh, các ngành chuyên môn có biện pháp khắc phục tình trạng chưa cung ứng đủ danh mục thuốc bảo hiểm y tế; nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện trên địa bàn.
Tính đến 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 88.800 người tham gia bảo hiểm xã hội và 685.790 người tham gia bảo hiểm y tế. Từ năm 2021 đến năm 2023, địa phương đã giải quyết cho 200.517 lượt người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và 165.429 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức; đồng thời thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền trên 2.357 tỷ đồng. Tỉnh đã công khai 25 thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia và được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố./.