Xây dựng Đảng

Hậu Giang hướng đến là tỉnh công nghiệp khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hậu Giang

Đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Ngày 28/8, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang (chuyên đề) đã ban hành Chương trình thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực, công trình, dự án đã được đầu tư; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Đồng thời, tỉnh sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, nước; sắp xếp, phân bổ hợp lý không gian phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn liền với phát triển kết cấu hạ tầng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh. Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, Hậu Giang đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại. Các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị. 
Ảnh: Duy Khương- TTXVN

Tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới là tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc thực hiện quy hoạch tỉnh. Tỉnh tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động với hình thức phong phú, phù hợp từng đối tượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số xây dựng các kênh truyền thông về nội dung, nhiệm vụ của quy hoạch tỉnh để đạt hiệu quả cao nhất.

Song song đó, các đơn vị tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh bảo đảm hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, có xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời tập trung nguồn lực triển khai kịp thời, hiệu quả các công trình, dự án được xác định trong quy hoạch tỉnh; hoàn thiện, khai thác cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại. Tỉnh tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics; hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng đối với chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy hoạch tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức Đảng chủ động thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy hoạch; kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, đột xuất, kiểm tra thực hiện chức trách của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhất là phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến, tạo đồng thuận xã hội, góp phần huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện thắng lợi quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được tỉnh đặt ra đến năm 2030 như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 15%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 330.000 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm khoảng 39,5% GRDP.../.

Phạm Duy Khương

Xem thêm