Ngành Giáo dục tập trung nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tại Lạng Sơn đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học…
Phát triển năng lực của học sinh
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tại tỉnh Lạng Sơn từ năm học 2020-2021 và đến năm học 2024-2025 đã được thực hiện cho tất cả các khối lớp từ tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chương trình đã mang lại những đổi mới sâu rộng trong phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh, tạo bước chuyển lớn trong giáo dục tại Lạng Sơn. Chương trình đã khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp hiện đại, tập trung vào việc phát triển năng lực của học sinh thay vì chỉ truyền đạt kiến thức như trước đây.
Thầy Lâm Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc) nhìn nhận, Chương trình Giáo dục phổ thông mới mang lại nhiều thay đổi tích cực cho nhà trường. Đội ngũ giáo viên tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, và sử dụng các phương tiện dạy học hiệu quả hơn. Học sinh theo học chương trình mới có nhiều tiến bộ rõ rệt, giúp các em phát triển toàn diện, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và thể hiện bản thân. Kết quả năm học 2023-2024 có gần 65% học sinh của trường đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện được khen thưởng.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Bắc (thành phố Lạng Sơn) -thầy Nguyễn Chiến Thắng khẳng định, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật sau khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi liên tục tăng. Tỷ lệ tốt nghiệp duy trì ở mức 100%. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi có nhiều đổi mới, chú trọng phát triển theo năng lực môn học và nguyện vọng cá nhân của học sinh. Kết quả năm học 2023-2024 trường đã có 101 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh...
Theo đánh giá của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, ở cấp tiểu học năm học 2020-2021 và 2023-2024, chất lượng dạy học môn Tiếng Việt, môn Toán các khối lớp 1, 2, 3, 4 tại các nhà trường được cải thiện. Số học sinh đạt mức "Hoàn thành Tốt" ngày càng tăng. Ở các cấp học khác, phương pháp dạy học theo dự án, học nhóm và tích hợp môn học được áp dụng rộng rãi, giúp học sinh tự nghiên cứu và thuyết trình, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo. Hiện nay, 100% trường học đã triển khai thành công các tiết học tích hợp liên môn và xuyên biên giới, trong đó giáo viên khuyến khích học sinh học tập qua trải nghiệm thực tế và sử dụng các công cụ trực tuyến để nâng cao tính trực quan, sinh động trong giảng dạy.
Các cơ sở giáo dục không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; trong đó chú trọng vào việc đánh giá toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia tăng cao trong những năm qua, với hơn 2.100 giải học sinh giỏi các khối lớp 9, 11, 12; trong đó có 33 giải học sinh giỏi quốc gia...
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tổ chức các chương trình đào tạo tập trung nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại và công nghệ thông tin vào giảng dạy; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, hướng đến đánh giá sát năng lực, phẩm chất của học sinh. Từ năm học 2024-2025, mỗi đơn vị sẽ đăng ký một mô hình đổi mới giáo dục, kèm theo việc rà soát, kiểm tra và đánh giá thường xuyên để rút kinh nghiệm. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý dạy học, tăng cường dạy kỹ năng số cho học sinh.
Đặc biệt, các nhà trường thiết kế chương trình học tập đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành, giúp học sinh nắm bắt kiến thức một cách toàn diện và hứng thú; đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp phát triển các kỹ năng cho học sinh. Cùng với đó, các trường tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức để tổ chức hoạt động ngoại khóa và hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh.
Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, tỉnh cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa giáo dục, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học../.