Thời tiết

Hiểu về động đất để giảm thiểu rủi ro trước thiên tai

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam có 135 trận động đất xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước; đều là các trận động đất nhỏ với độ lớn từ 2.5 đến 4.1. Cộng đồng dân cư cần hiểu về động đất để từ đó có những phương án chủ động ứng phó.

Động đất thường xuất hiện tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. 
Ảnh: TTXVN phát

Những năm gần đây, động đất diễn ra khá liên tục ở Việt Nam và có chiều hướng tăng dần về tần suất. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam có 135 trận động đất xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước; đều là các trận động đất nhỏ với độ lớn từ 2.5 đến 4.1. Đáng chú ý, ở huyện Kon Plong, Kon Tum, hầu như ngày nào cũng xuất hiện động đất, có thời điểm xảy ra liên tiếp 7, 8 trận trong một ngày. Không chỉ Kon Tum, nhiều khu vực khác trên cả nước cũng xảy ra động đất, thậm chí có nơi hiếm khi xuất hiện động đất trước đó như: Khu vực huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội), Ninh Bình, Yên Bái… Cộng đồng dân cư cần hiểu về động đất để từ đó có những phương án chủ động ứng phó.

* Phần lớn động đất kích thích từ hoạt động của con người

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phần lớn các trận động đất năm 2024 là do động đất kích thích từ hoạt động của con người, đặc biệt là hoạt động của thủy điện (có tới 120 trên tổng số 135 trận xảy ra tại Kon Tum). Một phần nhỏ khác là các trận động đất kiến tạo xảy ra trong các đới đứt gãy tự nhiên.

Số liệu từ Viện Vật lý Địa cầu cho thấy sự gia tăng rõ rệt của hiện tượng động đất trong 5 năm qua. Cụ thể, năm 2019 là 52 trận; năm 2020 có 98 trận; năm 2021 có 183 trận; năm 2022 có 293 trận; năm 2023 là 353 trận. Đặc biệt, trong các năm từ 2021 đến 2023, số trận động đất tăng gấp 3 đến 6-7 lần so với năm 2019. Hiện tượng gia tăng này chủ yếu do xảy ra nhiều trận động đất kích thích gây bởi các hồ chứa đập thủy điện.

Cũng trong năm 2020, một trận động đất gây rung chấn mạnh với độ lớn 5.3 xảy ra tại Mộc Châu (Sơn La). Đây là trận động đất lớn nhất từng xuất hiện ở Sơn La, lan truyền tới nhiều vùng lân cận. Hơn 38 hộ dân bị ảnh hưởng, người dân vô cùng hoảng sợ; rung lắc mạnh làm nhiều nhà bị sập mái hoàn toàn, rơi vỡ đồ đạc, nứt, vỡ tường nhưng không có thiệt hại về người.

Tại Kon Tum, theo đánh giá từ Viện Vật lý địa cầu, nguyên nhân là do động đất kích thích gây bởi hoạt động tích nước tại các hồ chứa. Thời gian gần đây, ở khu vực này tần suất động đất xảy ra liên tục nhưng hầu hết ở mức độ nhẹ. Số liệu những năm gần đây vẫn cho thấy khu vực Tây Bắc là nơi có động đất mạnh nhất cả nước do có các đới đứt gãy có khả năng phát sinh động đất trung bình và mạnh.

Bề mặt trái đất vốn được tạo thành từ các mảng kiến tạo địa chất. Sự tương tác giữa các mảng kiến tạo này tạo thành địa hình núi cao và các hoạt động địa chất khác như núi lửa hay động đất. Các hiện tượng này sẽ hoạt động mạnh mẽ ở khu vực giáp ranh các mảng kiến tạo lớn với đường màu đỏ hay màu xanh trên bản đồ này. Việt Nam không nằm gần ranh giới mà nằm trong mảng kiến tạo Âu Á nên địa chất có phần ổn định hơn. Các đới đứt gãy chỉ gây ra các trận động đất ở mức độ trung bình và lớn, không tới mức hủy diệt như ở ranh giới các mảng.

Theo bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất của Viện Vật lý địa cầu, động đất độ lớn cao nhất xảy ra ở Việt Nam có thể đạt tới 7.5 (trên thực tế đã xảy ra động đất có độ lớn 6.8 trong quá khứ), tập trung ở Tây Bắc Bộ và Nghệ An, tương ứng với màu nâu đậm. Vùng màu nâu nhạt trong đó có Kon Tum hay các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh độ lớn động đất nếu xảy ra, cao nhất từ 5-5.9. Các khu vực còn lại trên cả nước nếu xảy ra chỉ ở mức độ nhẹ, dưới 5.0.

Độ lớn của trận động đất được đánh giá theo thang đo moment 1-10 hoặc hơn; trong đó, các trận động đất nhỏ hơn 4 thường không gây thiệt hại. Từ 4-4.9, mặt đất bắt đầu rung chuyển, cảm nhận rõ rung lắc và có thể làm đổ gãy cây cối. Động đất trung bình có độ lớn từ 5-5.9 nhà cửa sẽ bị rung chuyển, các bức tường hay các công trình có hiện tượng nứt nhẹ. Hầu hết các trận động đất xảy ra ở Việt Nam đều từ mức này trở xuống.

Gần đây, một số trận động đất xảy ra tại các khu vực có tần suất phát sinh động đất thấp.  Các chuyên gia cho rằng, khi các đứt gãy tích tụ đủ năng lượng, sẽ xuất hiện những trận động đất nhẹ.

Tại trận động đất xảy ra sáng 25/3, nhiều người dân thành phố Hà Nội cho biết, họ cảm nhận rõ sự rung lắc do dư chấn của trận động đất có độ lớn 4.0 vừa xảy ra tại huyện Mỹ Đức. Mặc dù tâm chấn của trận động đất ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhưng đã gây rung chấn tới nhiều khu vực lân cận như: Huyện Ứng Hòa và Chương Mỹ (Hà Nội); huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy (Hòa Bình); huyện Kim Bảng (Hà Nam)…Khu vực xảy ra trận động đất hiếm này nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy. Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất.

Trận động đất sáng 27/5 tại khu vực huyện Nho Quan (Ninh Bình) mạnh 3.4. Khu vực xảy ra động đất cũng tiếp giáp với huyện Thạch Thành và Hà Trung (Thanh Hóa); độ sâu chấn tiêu trận động đất này khoảng 17 km. Nhiều người sống tại khu vực huyện Nho Quan (Ninh Bình) và Thạch Thành (Thanh Hóa) cho biết cảm nhận rung lắc nhẹ kèm tiếng động khi xảy ra động đất. Nguyên nhân xảy ra động đất là do khu vực này nằm trong vùng đứt gãy sông Đà.

Trưa 6/6, một trận động đất có độ lớn 3.0 xảy ra tại khu vực huyện Yên Bình (Yên Bái). Tính từ tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 3 trận động đất. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của hoạt động địa chất của đường đứt gãy sông Lô và sông Chảy (đường đứt gãy sông Lô dài trên 650 km, kéo dài từ Bắc Quang (Hà Giang) qua Tuyên Quang).

*Học cách ứng xử khi có động đất xảy ra

Chia sẻ thông tin chi tiết hơn về công tác báo tin, dự báo và cảnh báo động đất ở Việt Nam, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, đa số các trận động đất tại các khu vực trên cả nước có độ lớn từ 2.5 đến 4.1, ít gây ra rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, động đất là loại hình thiên tai rất khó dự báo, đặc biệt là thời điểm chính xác xảy ra động đất. Vì thế, việc hiểu biết về động đất và cách phòng tránh là điều vô cùng quan trọng, nhất là những vùng có nguy cơ cao xảy ra động đất.

Hiện nay, Viện đang duy trì hệ thống quan trắc động đất quốc gia gồm gần 40 trạm trên cả nước để theo dõi hiện tượng này. Ngoài hệ thống mạng trạm quốc gia, còn có các trạm địa phương quan trắc động đất kích thích ở các hồ đập thủy điện ở khu vực Tây Bắc và Quảng Nam. Gần đây, Viện đã triển khai mạng trạm quan trắc địa phương ở khu vực Kon Tum (8 trạm). Các trạm quan trắc này giúp ghi nhận nhanh, chính xác các trận động đất ở các khu vực này, đây là nguồn số liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất, phục vụ đánh giá an toàn đập và vận hành hồ chứa.

Theo quy định về phòng, chống động đất của Chính phủ, căn cứ vào tình hình hoạt động động đất, hàng năm, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng, chống động đất phù hợp. Tại những nơi hoạt động động đất có nguy cơ cao gây hoang mang trong người dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống động đất.

Các kiến thức cơ bản về động đất, cách ứng xử khi có động đất xảy ra là rất cần thiết, nhất là đối với người dân ở các khu vực nằm trong nguy cơ động đất cao. Người dân khi ở trong nhà, nếu thấy động đất xảy ra, để bảo vệ mình khỏi các đồ vật rơi vỡ, hãy chui xuống dưới gầm bàn và đợi khi rung chấn không còn; không sử dụng thang máy đề phòng mất điện bất ngờ; ngắt hết các cầu giao khi sơ tán ra khỏi nhà đề phòng hỏa hoạn do quên tắt các thiết bị điện. Nếu đang ở ngoài đường, người dân hãy chạy ngay tới vùng đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, cây to và cột điện./.

Trần Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm