Các bệnh nhân, đặc biệt là học sinh sẽ được khám trực tiếp tại các trường học, trạm xá để quản lý bệnh về tật khúc xạ với độ chính xác cao mà không cần tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa mắt.
Ngày 13/5, Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ bàn giao thiết bị nhãn khoa do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tài trợ cho bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa các bệnh về mắt cho nhân dân.
Tại buổi lễ, ông Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã bàn giao 1 máy Laser Quang Đông; 1 máy đo khúc xạ và độ cong giác mạc tự động cầm tay, với trị giá hơn 1,7 tỷ đồng cho Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam. Đây là hoạt động thuộc dự án viện trợ không hoàn lại “Cung cấp thiết bị Nhãn khoa cho Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam” của Đại sứ quán Nhật Bản hỗ trợ cho Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam.
Đại sứ Ito Naoki cho biết, dự án “Cung cấp thiết bị Nhãn khoa cho Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam” nhằm hỗ trợ tỉnh Hà Nam nâng cao chất lượng khám, chữa các bệnh về mắt, đặc biệt góp phần phát hiện, điều trị sớm, kịp thời tật khúc xạ ở trẻ em. Việc này cũng nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản.
Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam Lê Thị Định thông tin, ở tỉnh có khoảng 56.000 người mắc bệnh đái tháo đường đang được quản lý, điều trị; mỗi năm có khoảng 200 ca biến chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, do thiếu trang thiết bị, máy móc, bệnh viện mới dừng ở việc khám và chẩn đoán các bệnh lý dịch kính võng mạc bằng thăm khám lâm sàng, siêu âm B, chụp đáy mắt không huỳnh quang… Trên 90% bệnh nhân có chỉ định can thiệp điều trị phải chuyển tuyến trên, gây rất nhiều khó khăn, tốn kém cho người bệnh.
Việc Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tài trợ máy móc, trang thiết bị cho Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam là phương án tối ưu để quản lý, theo dõi, điều trị nội khoa các bệnh lý võng mạc ở tỉnh, giảm lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến điều trị, phát hiện sớm các bệnh lý võng mạc cần can thiệp điều trị. Các bệnh nhân, đặc biệt là học sinh sẽ được khám trực tiếp tại các trường học, trạm xá để quản lý bệnh về tật khúc xạ với độ chính xác cao mà không cần tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa mắt./.