Pháp luật

Hỗ trợ pháp lý, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu.
Ảnh: Vi Sa

Ngày 24/12, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết, tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Tỉnh Đồng Nai có hơn 53.700 doanh nghiệp, hơn 60% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, chưa quan tâm đến vấn đề pháp lý nên doanh nghiệp thường gặp những rủi ro pháp lý. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có Nghị quyết số 41-NQ/TW; Nghị quyết 66/NQ-CP; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị số 55/2019/NĐ-CP...

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn đã được thực hiện đầy đủ. Các doanh nghiệp được giới thiệu, phổ biến kịp thời các chế độ, chính sách pháp luật, góp phần hỗ trợ pháp lý, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, kinh doanh.

Quang cảnh hội thảo. 
Ảnh: Vi Sa

Ông Nguyễn Duy Khương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai đã nêu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính, khó khăn trong việc xác định vi phạm và áp dụng hình phạt. Theo đó, các thủ tục, quy trình thực thi chưa được hướng dẫn chi tiết và đồng bộ, dẫn đến sự lúng túng trong việc thực hiện; các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư vào hệ thống giám sát thông tin và các công cụ xử lý vi phạm. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai hy vọng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội sẽ xây dựng được một môi trường mạng lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và cộng đồng.

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh Phương đã trao đổi về các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trên môi trường mạng; đưa ra một số hành vi vi phạm hay gặp phải trên không gian mạng, chia sẻ về một số lưu ý đối với cá nhân, tổ chức là đối tượng bị xử phạt về hoãn, giảm, miễn tiền phạt; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính...

Đại diện một số trường đại học trên địa bàn tỉnh như Đại học Đồng Nai, Đại học Lạc Hồng, Đại học Công nghệ Đồng Nai,... chia sẻ vấn đề đào tạo bồi dưỡng luật nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng, tổ chức những phiên tòa giả định mời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân, tổ chức liên quan tham gia để dễ dàng tiếp cận những quy định pháp luật. Một số doanh nghiệp cho rằng cần có hệ thống pháp luật ổn định, minh bạch thì tổ chức thi hành pháp luật mới nghiêm minh; cần có đường dây nóng và tổ chức đầu mối trong tiếp thu lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp...

Kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu để thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới./.

PV

Xem thêm