UNFPA và KOICA chính thức khởi động hai dự án nhằm xây dựng Ngôi nhà Ánh Dương và hỗ trợ Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh khắc phục thiệt hại của bão Yagi.
Ngày 13/1, tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Lễ ra mắt Dự án thúc đẩy nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam giai đoạn 2024-2027. Dự án được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ 5,5 triệu USD với hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ UNFPA nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật và cộng đồng LGBTQl+.
Trong giai đoạn 2017-2021, KOICA và UNFPA đã triển khai thành công mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC), được gọi là Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ toàn diện hỗ trợ những người bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm tư vấn tâm lý, pháp lý và y tế.
Năm 2022, KOICA tiếp tục tài trợ giai đoạn nối tiếp lần 1 của dự án nhằm bảo đảm hoạt động bền vững của Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh. Ngôi nhà Ánh dương đầu tiên đã nhanh chóng đặt nền móng cho việc nhân rộng thêm mô hình trung tâm dịch vụ một cửa ở các địa bàn khác trên cả nước.
Theo ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ba Ngôi nhà Ánh Dương đã được triển khai vào năm 2022 tại tỉnh Thanh Hóa, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản. Các chi phí hoạt động của 3 Ngôi nhà Ánh Dương trên cùng với Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Hòa Bình vừa mới được khai trương và Ngôi nhà Ánh Dương thứ 6 sẽ triển khai tại tỉnh An Giang được nhận tài trợ từ Chính phủ Australia. Tính đến thời điểm hiện tại, các Ngôi nhà Ánh Dương đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ tích hợp cho 1.670 người bị bạo lực, tiếp nhận, giải quyết hơn 26.000 cuộc gọi qua đường dây nóng. Các trung tâm này là ví dụ điển hình về hoạt động cung cấp hỗ trợ toàn diện cho người bị bạo lực, cho thấy tầm quan trọng của phối hợp liên ngành giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương và các đối tác quốc tế.
Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam Lee Byung Hwa khẳng định, trong giai đoạn tiếp theo của Dự án, sự hợp tác giữa KOICA, UNFPA, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đối tác sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của dự án này. Những nỗ lực chung sẽ tạo dựng một xã hội an toàn và bình đẳng cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Dự án tập trung nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động, công đoàn và cộng đồng về bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Một nội dung cốt lõi của dự án này là thay đổi hành vi, khuyến khích sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong các chiến dịch truyền thông có mục tiêu để thúc đầy nam tính tích cực và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bạo lực.
Khoản tài trợ mới của KOICA sẽ được chia làm 2 dự án bao gồm: hỗ trợ việc thành lập và vận hành thêm hai ngôi nhà Ánh Dương tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Khánh Hòa được mang tên “Thúc đẩy nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam nhằm tăng cường hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực”; dự án giai đoạn chuyển giao lần 2 nhằm “Hỗ trợ công tác cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sau thiên tai cho Trung tâm dịch vụ một cửa Quảng Ninh” đảm bảo không bị gián đoạn cung cấp dịch vụ cho người bị bạo lực.
Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) Lê Khánh Lương cho biết, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điều đó đã mang lại tác động tích cực, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực, góp phần giảm thiểu bạo lực giới và hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho người bị bạo lực trên cơ sở giới, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của tầng lớp nhân dân.
Các dự án mới này sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và những thực hành tốt nhất của quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Ngoài ra, các dự án cũng hỗ trợ việc thực hiện Chương trình Quốc gia của Việt Nam: Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (giai đoạn 2021 - 2025); Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (giai đoạn 2021-2030) và Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2022./.
- Từ khóa:
- UNFPA
- KOICA
- trẻ em
- phụ nữ
- bình đẳng giới