Kết quả hòa giải ở cơ sở đã đóng góp quan trọng vào việc hóa giải những tranh chấp, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có trên 540 tổ hòa giải, với khoảng 4 nghìn hòa giải viên. Qua hơn 10 năm thực hiện Luật hòa giải, địa bàn tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận gần 10 nghìn vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành chiếm trên 84%. Điều đó cho thấy công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò quan trọng trong ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh là một trong những địa phương làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, hiện có 40 tổ hòa giải với 245 hòa giải viên. Trong đó, ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành là một trong những tổ hòa giải nhiều năm liền làm tốt công tác này.
Tổ hòa giải ấp Trường Ân hiện có 5 hòa giải viên, gồm những người có uy tín, trách nhiệm, sinh hoạt trong các hội, đoàn thể của ấp như Trưởng ấp, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, phụ nữ, nông dân, Công an viên phụ trách ấp đã làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần hóa giải các vụ việc tranh chấp từ mới phát sinh trong nhân dân.
Là một trong những hòa giải viên có nhiều năm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Văn Môn, thành viên Tổ hòa giải ấp Trường Ân, xã Trường Đông cho biết, bản thân ông nhận biết được việc hòa giải các tranh chấp trong dân sẽ góp phần quan trọng trong bảo vệ tình làng, nghĩa xóm, nên ông đã tham gia hòa giải tích cực, xem đó là phần trách nhiệm của bản thân với xã hội và nhiều vụ việc được giải quyết êm xuôi, thuận tình. Người dân đồng thuận về kết quả hòa giải ở ấp cũng bản thân ông cũng vui mừng và hạnh phúc khi được tin tưởng.
Ông Ngô Tùng Minh, Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Trường Ân, xã Trường Đông cho hay, năm 2023, Tổ hòa giải ấp Trường Ân nhận được 9 đơn xảy ra tranh chấp trong dân và đã hòa giải thành 9 đơn, chủ yếu là các tranh chấp về ranh giới đất đai, mâu thuẫn nhỏ. Từ đầu năm 2024 đến nay, Tổ hòa giải ấp Trường Ân nhận được 3 đơn và cũng đã hòa giải thành 3 đơn. Với những thành tích của mình, Tổ hòa giải ấp Trường Ân đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp ghi nhận về thành tích của tổ hòa giải.
Ông Ngô Tùng Minh chia sẻ, khó khăn lớn nhất của các tổ hòa giải ở cơ sở hiện nay là kinh phí chi cho hoạt động hòa giải thành của mỗi vụ việc đang rất thấp (tối đa 400 nghìn đồng/vụ việc hòa giải thành/Tổ hòa giải). Tuy nhiên có những vụ việc phức tạp, tổ hòa giải phải đến nhiều lần để tiến hành hòa giải, khi đó tiền chi cho công tác hòa giải thành được chia ra cho mỗi thành viên trong tổ hòa giải lại không đủ kinh phí đổ tiền xăng đi lại. Ông Minh kiến nghị cấp trên xem xét tăng mức chi phù hợp để tổ hòa giải ở cơ sở đủ tâm huyết, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành Trần Văn Hoàng nêu rõ, những năm qua các tổ hòa giải của ấp ở xã Trường Đông đã làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, nên những tranh chấp nhỏ ở địa phương, tổ hòa giải ở ấp đã xử lý tranh chấp ngay từ đầu, khi đó sự việc tranh chấp chưa đến mức phức tạp phải nhờ đến UBND xã, huyện hoặc phải khởi kiện để tòa án xử lý.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh, các tổ hòa giải đã ngày càng được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào nề nếp, tỷ lệ hòa giải thành cao, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự tại địa phương.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Đặng khẳng định, trong hơn 10 năm triển khai Luật hòa giải ở cơ sở thì tỷ lệ hòa giải thành ở tỉnh Tây Ninh đạt rất cao, trên 84%. Kết quả công tác hòa giải ở cơ sở đã đóng góp quan trọng vào việc hóa giải những tranh chấp trong nhân dân, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Theo Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, hàng năm trên phạm vi cả nước có trung bình 120 nghìn vụ việc được các tổ hòa giải cơ sở giải quyết và tỷ lệ hòa giải thành chiếm trung bình 80%; như vậy có thể hình dung hàng năm nhờ vào công tác hòa giải cơ sở, các cơ quan tòa án đã bớt đi gánh nặng phải thụ lý giải quyết khoảng 100 nghìn vụ việc.
"Có thể nói hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng đã tồn tại từ lâu đời ở Việt Nam, dựa vào văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam với phương châm chuyện to hóa thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không có gì; cũng như tinh thần 9 bỏ làm 10, lá lành đùm lá rách, anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau hay bán anh em xa mua láng giềng gần,.... thì phương thức hòa giải ở cơ sở thời gian vừa qua có những vai trò, ý nghĩa hết sức thiết thực, to lớn đối với sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội; thông qua công tác hòa giải cơ sở đã hàn gắn tính đoàn kết cộng đồng, vun đắp tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết trong nhân dân", Tiến sĩ Lê Vệ Quốc nhấn mạnh.
Việc giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp từ sớm đã góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở; giảm bớt tình trạng gửi đơn kiện lên Tòa án, đơn thư vượt cấp, để nhân dân và hệ thống chính trị tại địa phương có thể tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân./.