Xã hội

Hòa giải cơ sở góp phần xây dựng, củng cố tình làng nghĩa xóm

Hưng Yên

Đến nay, địa bàn tỉnh Hưng Yên có 864 tổ hòa giải với 6.147 hòa giải viên. Tỷ lệ hòa giải thành trung bình hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Hưng Yên ngày càng nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở (Ảnh minh họa: nguồn TTXVN)

TTXVN - Theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đình Chung, qua 10 năm triển khai Luật Hòa giải cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tình làng nghĩa xóm, hạn chế vi phạm pháp luật, thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ông Nguyễn Đình Chung khẳng định, các tổ hòa giải được thành lập bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hầu hết hòa giải viên đều là những người am hiểu về pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng vận động, thuyết phục, nhiệt tình, tự nguyện tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, địa bàn tỉnh có 864 tổ hòa giải với 6.147 hòa giải viên. Theo thống kê, tỷ lệ hòa giải thành trung bình hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hòa giải thành luôn đạt trên 80%; 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ này đạt 98,5%.

"Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân", ông Nguyễn Đình Chung chia sẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những hạn chế như: Lực lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã còn mỏng, lại phải kiêm nhiều việc nên không có thời gian dành cho công tác hòa giải ở cơ sở dẫn đến việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa chủ động, kịp thời. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và phổ biến kinh nghiệm thực tiễn, đào tạo kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên đã được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó, người làm công tác hòa giải ở địa phương hầu hết không được đào tạo bài bản về pháp luật mà chủ yếu được bồi dưỡng qua các lớp tập huấn hoặc qua các tài liệu tuyên truyền, trong khi việc hòa giải ở cơ sở chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của các hòa giải viên...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, theo ông Nguyễn Đình Chung, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt đối với người dân về vị trí, vai trò cùng ý nghĩa quan trọng của công tác này. Ccác đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm phổ biến pháp luật đến cán bộ, đảng viên, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; phát huy vai trò các cấp, ngành, cá nhân trong công tác hòa giải ở cơ sở trên tinh thần thượng tôn pháp luật gắn với truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương…

Cùng với đó, các cơ quan tư pháp ở địa phương tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở cơ sở trong việc nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ hòa giải; lựa chọn những người có uy tín trong cộng đồng, có phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu pháp luật, bản thân và gia đình chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tham gia vào công tác hòa giải./.

Đinh Văn Nhiều

Xem thêm