Người dân vùng Đồng Tháp Mười đã tận dụng lợi thế cảnh sắc quê hương để làm du lịch mùa nước nổi.
TTXVN- Mùa nước nổi vùng Đồng Tháp Mười diễn ra vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Tập quán sinh hoạt trong đời sống và kế sinh nhai của người dân vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước nổi năm nay có những gam màu đối lập.
* Vất vả mưu sinh
Trên cánh đồng trải rộng mênh mang ngập nước thuộc địa phận huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An), ông Đặng Văn Cho lùa đàn vịt hơn 3.000 con chạy đi ăn đồng từ 5 giờ đến 16 giờ mỗi ngày. Ông Cho cho biết, đàn vịt này ông nuôi tới nay đã được 7 tháng. Lúc đầu, đàn có khoảng 5.000 con, nay hao hụt còn hơn 3.000 con. Lứa vịt đang gần bước vào lúc đẻ trứng mạnh. Ông đi thu hoạch trứng vịt đẻ vào 3 giờ hằng ngày.
Sáu giờ, dưới ánh nắng bình minh, đàn vịt chạy đồng của ông Cho góp phần tạo nên một bức tranh sống động, lung linh của mùa nước nổi vùng Đồng Tháp Mười. Trong bức tranh đó, thấm đẫm mồ hôi mưu sinh của người dân miền Tây Nam Bộ.
Vừa trông vịt chạy đồng, ông Cho kể, ông quê ở tỉnh Đồng Tháp, năm nay 71 tuổi. Không có ruộng đất, ông rong ruổi qua các cánh đồng cùng bao lứa vịt đã được gần 50 năm. “Có người mua dùm trước rồi mình lùa vịt tới, một mẫu 400.000 đồng. Sáng thả vịt ra đồng, mang theo đồ ăn, chiều về mới nấu ăn. Căng mùng ngủ ngoài trời, riết tui cũng quen với gió sương rồi” - ông Cho bộc bạch.
Cứ thế, quanh năm, ông lùa đàn vịt hết từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, sau khi người dân thu hoạch lúa còn trơ lại gốc rạ. Tại cánh đồng này, đàn vịt của ông đã ăn được hơn chục ngày, tới khi người dân sạ, ông lại tới cánh đồng khác. Nghề nuôi vịt chạy đồng đang gặp khó, trứng rẻ mà giá mua đồng cao. Lúc cao giá bán được 25.000 đồng/10 trứng, nay chỉ bán 20.000 đồng.
Mùa nước nổi năm nay, từ vùng đầu nguồn sông Cửu Long nơi điểm đầu đón lũ, con nước đổ về chậm và ít hơn trung bình nhiều năm.
Huyện Tân Hưng (tỉnh Long An), giáp Campuchia dù nằm ở vùng trũng Đồng Tháp Mười, song mực nước lũ năm nay thấp. Ông Huỳnh Văn Quê, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng chuyên làm nghề đánh bắt cá mỗi khi con nước về. Ông Quê chia sẻ, năm ngoái nước lên cao cũng lên được mét mấy, đứng ngang ngực. Năm nay chỗ sâu được 5 tấc, chỗ cạn tới mắt cá chân, nước năm nay quá nhỏ, không có nhiều cá. Khi nước lớn, một đêm, ông đặt hơn 100 cái lợp, lờ, dớn, hôm sau thu hoạch được 250.000 - 300.000 đồng. Năm nay nước nhỏ, mỗi đêm, ông đặt 70 cái, hôm sau chỉ thu hoạch được 100.000 - 120.000 đồng/đêm.
* Du lịch mùa nước nổi
Những năm gần đây, người dân vùng Đồng Tháp Mười đã tận dụng lợi thế cảnh sắc quê hương để làm du lịch mùa nước nổi. Du khách về Đồng Tháp Mười có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân như tự tay bắt cá đồng, hái bông súng, bông điên điển… và thưởng thức những món dân dã như cá lóc kho tiêu; mắm kho ăn kèm bông súng, hẹ nước; lẩu cá linh bông điên điển; cá linh chiên giòn…
Trên những cánh đồng ngập nước huyện Mộc Hóa, những người phụ nữ chèo xuồng đi hái bông súng, tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu. Theo người dân nơi đây, bông súng thường có màu tím, đỏ, cọng mập khi được chăm sóc tốt. Còn súng mọc tự nhiên thường có màu trắng, cọng nhỏ dài 3-5m. Nước dâng tới đâu, bông súng cao theo tới đó. Bông súng hái về được mang ra chợ bán để ăn, hoặc đặt trên những chiếc xuồng để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.
Chị Lê Thị Kiều Minh ở huyện Mộc Hóa, làm công việc đi lấy bông súng hơn chục năm nay. Trước đây, chị lấy chủ yếu mang ra chợ bán, vài năm gần đây còn phục vụ du khách tham quan. Chị Minh cùng vài chị em đi hái đầy ghe bông súng từ chiều hôm trước, giữ cho tươi để sáng sớm hôm sau phục vụ khách du lịch. Trên những cánh đồng mênh mông nước, những cô gái miền Tây chèo ghe chở bông súng đầy ắp, rực rỡ sắc màu, tạo nên một khung cảnh bình yên đến lạ.
“Mùa cao điểm, tôi có việc làm như vậy khoảng 3-4 ngày/tuần. Mỗi năm, công việc này rộ vào tháng 7 đến hết tháng 12 dương lịch. Đi làm như vậy vừa vui, thoải mái, không gò bó, vừa có thêm thu nhập. Cả khách trong nước và nước ngoài, họ rất thích thú với những hình ảnh chúng tôi mang lại, cảm nhận được điều đó, tôi rất vui” - chị Kiều Minh chia sẻ.
Trải nghiệm cuộc sống người dân mùa nước nổi, chị Trần Thị Ngọc Hà cho biết, chị ở Long An, nhưng ở huyện Bến Lức, nơi giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh, không có nước nổi như vùng Đồng Tháp Mười. Qua hình ảnh trên mạng, nhiều lần chị muốn sắp xếp để có chuyến trải nghiệm về đây, nay mới thực hiện được. Cảnh sắc nơi đây không làm chị thất vọng.
“Mình đã được trải nghiệm chèo xuồng - chụp ảnh cùng bông súng, chèo xuồng trong buổi hoàng hôn cùng với những người dân giăng lưới bắt cá, lội đồng rửa bông súng cùng họ… cảm giác vô cùng thú vị. Kết quả là có bộ ảnh lung linh nhưng chân thật, đậm chất quê hương” - chị Hà chia sẻ.
Long An mang vẻ đẹp thanh bình của vùng Đồng Tháp Mười, đặc biệt hút du khách nước ngoài, cho họ cảm nhận trọn vẹn cuộc sống miền Tây sông nước. Chị Katarina Erdelyiova, nhiếp ảnh gia đến từ Slovakia cho biết, chị đã đi nhiều nơi để cảm nhận cuộc sống và săn những hình ảnh mang đặc trưng vùng miền. Lần đầu tiên đến Việt Nam và tới mùa nước nổi Đồng Tháp Mười, chị vô cùng thích thú và ấn tượng.
“Về đây cảm giác hòa mình với thiên nhiên, cảnh sắc mộc mạc, không khí trong lành, người dân thì hiền hòa chất phác. Tôi ghi được những hình ảnh: đàn vịt chạy đồng trong bình minh, những cô gái chèo xuồng thu hoạch bông súng, hay cảnh giăng lưới dưới ánh hoàng hôn… tất cả đều rất đẹp. Tôi được trải nghiệm cảm giác ngồi trên xuồng băng qua những cánh đồng nước mênh mông, và đặc biệt, món ăn ở đây thì rất ấn tượng. Tôi ăn cá linh chiên giòn, lẩu mắm, tôi đã ăn no chứ không chán” - chị Katarina Erdelyiova vui vẻ chia sẻ.
Mùa nước nổi năm nay mực nước lên không cao, nguồn lợi thủy sản không nhiều, nhưng đặc trưng về cảnh sắc và những nghề mưu sinh nhờ con lũ vẫn còn nguyên đó với người dân nơi đây. Đó vừa là nguồn sống và cũng là niềm tự hào về bản sắc quê hương mình, giúp họ thêm niềm vui, động lực gìn giữ và góp phần quảng bá nét đẹp quê hương - vùng Đồng Tháp Mười chân chất, bình dị, nên thơ./.