Việt Nam mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế; tăng cường hợp tác trong ngăn chặn vận chuyển xuyên biên giới trái phép các hóa chất và chất thải nguy hại phù hợp với các khuôn khổ quốc tế theo các hiệp định môi trường đa phương.
TTXVN - Sáng 5/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (đầu mối Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam - ASOEN Việt Nam) phối hợp Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải (Hội nghị AWGCW-8). Sự kiện diễn ra từ ngày 5 - 7/7, với sự tham dự của thành viên Ban Thư ký ASEAN, các nước trong khối ASEAN và các tổ chức đối tác; thành viên của các Nhóm công tác thuộc ASOEN Việt Nam, đại diện các bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức quốc tế...
Hội nghị là dịp các bên đánh giá lại hoạt động hợp tác của các nước thành viên ASEAN về hóa chất, chất thải trong năm vừa qua; thảo luận và định hướng nhằm thống nhất về nguyên tắc các nội dung hợp tác giữa các nước trong khu vực thời gian tới. Theo đó, Hội nghị AWGCW-8 xem xét một số nội dung chính như: Cập nhật quyết định liên quan của các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN và các sự kiện liên quan khác; cập nhật việc thực hiện Kế hoạch hành động của Nhóm Công tác ASEAN về hóa chất và chất thải; cập nhật các sáng kiến liên ngành về hóa chất và chất thải; cập nhật kết quả của Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2022, 2023, một số vấn đề liên quan đến Nghị định thư Montreal và Công ước Minamata; hợp tác ASEAN về hóa chất và chất thải với đối tác phát triển và cơ quan chuyên ngành.
Với vai trò là đầu mối ASOEN Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì trao đổi, thảo luận 4 nội dung: Tăng cường năng lực và trao đổi thông tin về công nghệ và thực hành tốt nhất; triển khai các nội dung Tuyên bố chung của ASEAN về hóa chất và chất thải tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm; phục hồi các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất và chất thải nguy hại; cập nhật kết quả liên quan đến Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2022, 2023.
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ô nhiễm môi trường do hóa chất và chất thải đang trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và hành tinh. Đặc biệt, khu vực ASEAN cũng là một trong những điểm nóng về ô nhiễm nhựa. “Tăng tốc hành động cho mục tiêu quản lý an toàn hóa chất và chất thải” được chọn làm chủ đề của Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm được tổ chức vào tháng 5/2023 tại Thụy Sỹ cho thấy yêu cầu cấp bách trong việc giải quyết các vấn đề về hóa chất và chất thải. Do đó, nhiều quyết định, hướng dẫn kỹ thuật đã được thông qua ở cấp toàn cầu về chất thải nhựa, chất thải chứa các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; về vận chuyển xuyên biên giới chất thải điện, điện tử và thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng theo Công ước Basel; đưa chất và hóa chất thuộc Công ước Rotterdam; loại bỏ sản xuất và sử dụng 3 chất Methoxychlor, Dechlorane Plus và UV-328 theo Công ước Stockholm.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, là một thành viên trách nhiệm và tích cực trong ASEAN, Việt Nam mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế; tăng cường hợp tác trong ngăn chặn vận chuyển xuyên biên giới trái phép các hóa chất và chất thải nguy hại phù hợp với các khuôn khổ quốc tế theo các hiệp định môi trường đa phương.
"Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện quản lý thân thiện với môi trường đối với các hóa chất và chất thải nguy hại trong suốt vòng đời; giảm thiểu chất thải theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tuân thủ các khuôn khổ pháp lý và chính sách hiện có của quốc gia; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và chất thải thông qua việc nội luật hóa quy định của các công ước vào văn bản pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các hóa chất và chất thải đã được nội luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Hóa chất 2007 và các văn bản pháp luật hiện hành", ông Võ Tuấn Nhân khẳng định.
Cũng theo ông Võ Tuấn Nhân, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN, các quốc gia ngoài ASEAN và đối tác quốc tế để huy động xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin về kinh nghiệm, thực tiễn tốt, hợp tác kỹ thuật nhằm đạt được quản lý an toàn về môi trường đối với các hóa chất và chất thải độc hại chống lại việc vận chuyển bất hợp pháp các hóa chất và chất thải nguy hại vào khu vực một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc cập nhật quyết định liên quan của các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN và các sự kiện liên quan khác, ông Võ Tuấn Nhân bày tỏ tin tưởng, những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị về hiệu quả trong thực hiện Kế hoạch hành động của Nhóm Công tác ASEAN về Hóa chất và Chất thải; các sáng kiến liên ngành về hóa chất và chất thải; nội dung hợp tác ASEAN về hóa chất và chất thải với các đối tác phát triển, sẽ được đưa ra tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường (ASOEN) dự kiến được tổ chức tại Indonesia vào cuối tháng 7 tới. Hội nghị góp phần tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và với các tổ chức đối tác, quan trọng hơn cả, sẽ góp phần xây dựng một ASEAN xanh hơn.
Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải (trước đây là Nhóm Công tác ASEAN về các Công ước đa phương về môi trường) được thành lập cuối năm 2015 để tạo ra một diễn đàn cho các quốc gia thành viên ASEAN nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hợp tác khu vực trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hóa chất và chất thải theo các hiệp định môi trường đa phương có liên quan. Các hội nghị của Nhóm công tác được tổ chức thường niên, luân phiên giữa các nước thành viên ASEAN./.