Hội nhập

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21: Kết nối, mở ra những cơ hội hợp tác phát triển bền vững

Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các doanh nghiệp đã thảo luận về đẩy mạnh công tác đối ngoại, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trao đổi với các đại biểu. (Nguồn: TTXVN)

TTXVN - Ngày 18/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các doanh nghiệp đã thảo luận về đẩy mạnh công tác đối ngoại, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

"Trải thảm đỏ" thu hút nhân tài

Tại phiên thảo luận 1 với chủ đề “Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng và Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn chia sẻ các bài học thành công trong việc xúc tiến đầu tư nước ngoài, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa được UNESCO công nhận và thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nêu kinh nghiệm của tỉnh khi thành công trong thu hút FDI lớn nhất cả nước. Thu hút FDI của Bình Dương gấp hơn 30 lần về số vốn và số dự án so với năm 1997. Lũy kế đến ngày 30/11, hơn 4.200 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40,3 tỷ USD, đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Võ Văn Minh chia sẻ, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy chủ trương “trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư, "trải thảm đỏ" thu hút nhân tài của tỉnh Sông Bé cũ. Bên cạnh đó, ông Võ Văn Minh cho rằng cần hình thành trường đại học chất lượng cao phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng.

Tại phiên thảo luận 2, các đại biểu trao đổi về các giải pháp “đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương”.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, liên tiếp có những nhà đầu tư cam kết đầu tư số vốn lớn vào tỉnh là minh chứng, thể hiện rõ nhất môi trường đầu tư ở Nam Định đã và đang ngày càng hấp dẫn, được doanh nghiệp tin tưởng, như Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 3 nhà máy sản xuất thép xanh (sử dụng khí gas và hydro để hoàn nguyên thép) với tổng vốn đăng ký gần 100 nghìn tỷ đồng; dự án của Tập đoàn Quanta để sản xuất máy vi tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Tập đoàn Sunrise Material phát triển Dự án sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với tổng mức đầu tư 100 triệu USD; Tập đoàn JiaWei thực hiện Dự án sản xuất sản phẩm đồ gia dụng cao cấp với tổng mức đầu tư 42 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận...

Để đạt được kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho rằng đó là tư duy đột phá trong thu hút đầu tư nhằm tạo xung lực mới cho sự bứt tốc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định hạ tầng phải đi trước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nam Định đã tập trung huy động các nguồn lực từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối tỉnh với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và với các tỉnh trong vùng.

Tránh dùng “một bài” cho mọi đối tác

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo nhận định, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư của nước ta đã thực sự hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, với sự biến động kinh tế thế giới hiện nay, hoạt động này còn có hạn chế.

“Là người bám sát địa bàn, tôi nhận thức rõ nét sự trăn trở, tâm huyết của các lãnh đạo địa phương trong việc làm thế nào để đổi mới, công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả của hoạt động này”, Đại sứ chia sẻ. Về sự phối hợp giữa Cơ quan đại diện và địa phương trong xúc tiến đầu tư, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, cần trả lời được 3 câu hỏi: Xúc tiến cái gì, xúc tiến với ai và xúc tiến như thế nào?

Gợi ý cho các địa phương để tăng cường hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đầu tư, Đại sứ chia sẻ: “Về công tác chuẩn bị, đây là hoạt động hết sức quan trọng, có tính quyết định đối với hiệu quả xúc tiến thương mại. Cần chuẩn bị đúng nội dung xúc tiến, phù hợp đối tác, tránh dùng “một bài” cho mọi đối tác. Sự chuẩn bị cần thể hiện chuyên nghiệp, có tiếng Anh, những bài trình bày dễ hiểu, ngắn gọn, đủ thông tin”.

Bên cạnh đó, theo Đại sứ, các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức, có thể kết hợp với các sự kiện lớn của thế giới, của sở tại hoặc tổ chức riêng để tăng hiệu quả sự liên kết, giảm chi phí, và đặc biệt quan trọng là mời doanh nghiệp có nhu cầu tham gia”.

Chia sẻ một số giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới do UNESCO ghi danh, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân lưu ý các địa phương có di sản cần xây dựng kế hoạch quản lý di sản có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, kế hoạch quản lý du khách, đặc biệt những di sản có số lượng khách tham quan hàng năm cao để có phương án hạn chế, kéo giãn khách du lịch không tập trung ở những điểm tham quan chính; nghiêm chỉnh thực thi các chính sách, hành động đã cam kết trong kế hoạch quản lý di sản để bảo đảm bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Đặc biệt, "cần lưu ý tuân thủ các quy định nhất là Đoạn 172 trong Hướng dẫn thực thi Công ước liên quan đến các dự án triển khai mới (cần triển khai các báo cáo đánh giá tác động di sản, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và thông báo trước cho Trung tâm Di sản thế giới trước khi tiến hành), để tránh bị đưa ra khỏi Danh sách di sản thế giới", Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho biết.

Nhiều nguồn lực phát triển năng lượng tái tạo ở các địa phương

Phiên đối ngoại diễn ra vào buổi chiều với sự tham gia của các đoàn ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp tiêu biểu, thảo luận theo chủ đề "Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương".

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược. Các nước đưa ra nhiều sáng kiến mới trong định hình các chuỗi cung ứng và sản xuất xanh, đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư cho các nước đang phát triển để thích ứng với các tiêu chuẩn này.

Việt Nam và các địa phương của Việt Nam đang có nhiều thế mạnh trong đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Hội nghị có nhiệm vụ trong tâm là đánh giá các xu thế đầu tư trên thế giới, phân tích các cơ hội, thách thức đặt ra đối với các địa phương của Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; tham mưu các biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm hỗ trợ thiết lập các nền tảng cho đầu tư bền vững tại Việt Nam, như: hợp tác nâng cấp, kết nối hạ tầng chiến lược, xây dựng các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn lao động chất lượng cao, nhân lực quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án công nghệ cao, bán dẫn, hydrogen xanh…

Trình bày tham luận, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) đánh giá cao sự tham dự của đông đảo đại diện quốc tế tại phiên họp, cho rằng điều này chứng tỏ Việt Nam là điểm thu hút FDI rất tốt, mặc dù có nhiều khó khăn song chỉ số phát triển FDI rất tốt và còn nhiều việc vẫn làm để tiếp tục thu hút FDI.

Theo ông Shantanu Chakraborty, năm 2023 chứng kiến nhiều thách thức của nền kinh tế thế giới, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng ấn tượng. Về đối ngoại, ông Shantanu Chakraborty cho rằng có sự phát triển vượt bậc, thể hiện qua việc đón hai nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về thương mại, dù thách thức toàn cầu khiến nhiều nước khó khăn trong việc thu hút FDI, song FDI ở Việt Nam vẫn rất mạnh. Giám đốc quốc gia ADB hy vọng "năm 2024, Việt Nam sẽ thu hút FDI tốt hơn".

Đề cập tới xu hướng đầu tư xanh và tác động với Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho biết, ông đã đến nhiều địa phương của Việt Nam trong vòng 5 tháng qua và nhận thấy có nhiều nguồn lực phát triển năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, qua đó giúp thu hút đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư đã tìm đến các tỉnh, thành phố này.

Trong phần trao đổi thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) Greg Testerman và Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) Marko Walde tập trung vào thảo luận xu thế, kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho địa phương Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao./.

V.Đ

Tin liên quan

Xem thêm