Giáo dục

Hơn 1.000 thí sinh tranh tài chung kết Cuộc thi Vô địch quốc gia STEM, AI và Robotics 2024

Vòng chung kết năm nay bao gồm 5 giải đấu chính, mỗi giải đấu gắn liền với những chủ đề thực tế như: Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững, Robot giao hàng thông minh, các thử thách sáng tạo lập trình.

Ban tổ chức trao giải cho các đội thi xuất sắc.
Ảnh: Việt Hà - TTXVN 

Sau gần hai tháng triển khai vòng loại trên toàn quốc, ngày 21/12, tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa, Hà Nội, Báo Tiền Phong phối hợp Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Vòng chung kết Cuộc thi Vô địch quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 (VSAR).

Vòng chung kết năm nay bao gồm 5 giải đấu chính, mỗi giải đấu gắn liền với những chủ đề thực tế như: Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững, Robot giao hàng thông minh, các thử thách sáng tạo lập trình trong mô hình trường học tương lai. Những chủ đề này không chỉ giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng tư duy, lập trình, sáng tạo robot mà còn hướng đến việc giải quyết những bài toán thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Tiền phong Phùng Công Sưởng cho biết: Sau các vòng sơ loại, sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra hơn 1.000 thí sinh xuất sắc nhất tham gia vòng chung kết các giải đấu, gồm hơn 900 thí sinh đến từ 21 tỉnh, thành phố tham thi đấu trực tiếp (trong ngày 21/12 tại Hà Nội) và 112 thí sinh thi đấu trực tuyến tranh tài Vòng chung kết Robot ảo. Cuộc thi còn có sự góp mặt của các thí sinh quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia tham gia thi đấu giao hữu. Điều này thể hiện sức hấp dẫn và sự lan tỏa của cuộc thi không chỉ trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của học sinh trong khu vực.

Theo Ban Tổ chức, cuộc thi mang tính giáo dục cao, góp phần quan trọng vào việc tăng cường phong trào học STEM trong cộng đồng học sinh Việt Nam. Thông qua các hoạt động thi đấu lập trình, sáng tạo robot và giải quyết các vấn đề cụ thể, học sinh được tiếp cận và áp dụng các kiến thức liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách sinh động và hiệu quả.

Những thách thức thực tiễn từ các chủ đề như "Nông nghiệp xanh" hay "Robot giao hàng thông minh" giúp các em hình thành tư duy logic, vận dụng kiến thức giải các bài toán thực tiễn, không ngừng tìm kiếm giải pháp mới mẻ và hiệu quả hơn, qua đó khai phá tiềm năng sáng tạo và trau dồi đam mê với các môn học STEM. Đây là những kỹ năng không thể thiếu trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số toàn cầu.

Thí sinh tham gia thi đấu tại vòng chung kết.
Ảnh: Việt Hà - TTXVN

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức và sự quan tâm đến STEM, cuộc thi còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng của thế kỷ 21 cho học sinh.

Thí sinh tham gia không chỉ học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp, khả năng làm việc nhóm và sáng tạo. Những vòng thi đòi hỏi sự hợp tác, phối hợp ăn ý giữa các thành viên trong đội giúp các em hình thành kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch và phân chia công việc hiệu quả.

Với các hoạt động thi đấu giao hữu và hợp tác quốc tế, học sinh Việt Nam có cơ hội mở rộng tầm nhìn, học hỏi những phương pháp tư duy mới và tiếp cận với các xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới. Sự góp mặt của thí sinh quốc tế cũng giúp tăng cường sức hút và uy tín của cuộc thi, góp phần đưa giáo dục STEM Việt Nam trở thành một điểm sáng trong khu vực và quốc tế.

Thí sinh Đỗ Hoàng Giang chia sẻ: Đến với cuộc thi, chúng em không chỉ mang theo những chú robot mà còn là niềm đam mê với công nghệ, sự sáng tạo và tinh thần học hỏi, giao lưu. Đây là cơ hội để chúng em thử thách bản thân, khám phá những giới hạn mới và tiếp thu những bài học quý giá từ bạn bè trên khắp mọi miền đất nước.

Tại Vòng chung kết, Ban Tổ chức đã trao 4 giải Nhất cho 2 bảng Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở; 4 giải Nhì; 4 giải Ba cùng nhiều giải thưởng phụ. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 1 tỷ đồng, bao gồm: Giải thưởng tiền mặt, hiện vật, học bổng từ các học viện danh tiếng./.


Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm