Thực thi chính sách

Họp báo Chính phủ: Các nhà mạng tiếp tục đối soát thông tin thuê bao với dữ liệu dân cư

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng sẽ tiếp tục định kỳ đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chuẩn hóa thông tin thuê bao cho khách hàng.

TTXVN - Chiều 3/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện các bộ, ngành đã trao đổi, thông tin về nhiều vấn đề dư luận, báo chí quan tâm như: việc thuê bao di động đồng bộ với Căn cước công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia; Nghị định sửa đổi về quản lý trang thiết bị y tế; giá xăng...

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trả lời về việc nhiều thuê bao đăng ký bằng chứng minh nhân dân mà chưa đồng bộ với Căn cước công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, những thuê bao đã đăng ký bằng chứng minh nhân dân nếu như có thông tin đầy đủ và chính xác theo quy định, vẫn hoạt động bình thường.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng sẽ chủ động rà soát, đối chiếu dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng và hồ sơ đăng ký thuê bao trước đây (hồ sơ bản giấy/bản photo của giấy tờ tùy thân) của khách hàng. Điều này nhằm khẳng định cơ sở dữ liệu tại nhà mạng trùng khớp với bản chụp giấy tờ khi khách hàng đăng ký. Công việc này nhà mạng sẽ tự làm, không làm phiền đến người dân.

Cũng theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng sẽ tiếp tục định kỳ đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi kho dữ liệu này có thêm thông tin mới về Căn cước công dân của người dân để chuẩn hóa thông tin cho khách hàng.

* Giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngày 3/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 quy định về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định số 07 ban hành đã kịp thời giải quyết hầu hết những vướng mắc, khó khăn của các bệnh viện trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng trang thiết bị y tế nhập khẩu tại các cửa khẩu. Nghị định số 07 còn là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ, góp phần cung cấp cho ngành Y tế các trang thiết bị có chất lượng và sử dụng hiệu quả, phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời các câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cụ thể, để giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị do giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán invitro hết hạn, trong khi tiến độ cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, Nghị định số 07 đã quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế.

Theo đó, Giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán invitro đã được cấp từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng của trang thiết bị y tế. Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và thu hồi giấy phép nhập khẩu, số lưu hành đối với các trường hợp vi phạm quy định về quản lý trang thiết bị y tế.

* Tiếp thu ý kiến, nghiên cứu kỹ Nghị định sửa đổi về quản lý xăng dầu

Trả lời câu hỏi về Nghị định quản lý, kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về tiến độ xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về quản lý, kinh doanh xăng dầu, ngày 1/12/2022, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và giao Bộ Công Thương xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan thành lập Ban soạn thảo cùng Tổ biên tập để thực hiện các dự thảo; sau đó xin ý kiến của các đối tượng có liên quan như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp, các bộ, ngành.

Thứ trưởng cho biết, Nghị định này sẽ trực tiếp điều chỉnh rất nhiều đối tượng khác nhau, có quyền lợi khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Vì vậy, việc có nhiều ý kiến là dễ hiểu. 

Ngày 14/2/2023, Bộ đã phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Tiếp đó, Bộ đã phối hợp với một số báo chí tổ chức tọa đàm về kinh doanh xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Bộ đã tổng hợp tất cả ý kiến và giao cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập để tiếp tục xây dựng Nghị định này phù hợp thực tế, đáp ứng mức cao nhất các ý kiến đưa ra của tất cả đối tượng.

Trong quá trình rà soát sửa đổi này, Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp. Thứ trưởng khẳng định, các kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các đối tượng khác đang và sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và bảo đảm dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở tiếp thu mức cao nhất các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ./.

Xuân Tùng

Xem thêm