Họp báo Chính phủ thường kỳ: Đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân khi điều chỉnh giá điện
Bộ Công Thương khẳng định việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc hết sức đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, kể cả việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
TTXVN - Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến sản xuất kinh doanh và khả năng điều chỉnh giá điện, chiều tối 2/2, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg. Quyết định này đã quy định rõ, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì được phép điều chỉnh tăng. Nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, do giá điện có tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên cũng tại Quyết định này, đã quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình và quy định tại Quyết định 24. Bộ đã yêu cầu EVN khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ: Công Thương – Tài chính và các cơ quan liên quan (như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam…) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra đó, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công Thương và cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp các cơ quan liên quan đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp để đảm bảo ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở báo cáo về đề xuất phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát kỹ các đề xuất của EVN.
“Chúng tôi khẳng định việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc hết sức đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, kể cả việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh đã được quy định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này cũng phải phù hợp theo thẩm quyền và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới được thực hiện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của EVN, Thứ trưởng Công Thương cho biết, Tập đoàn này lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN đã đề xuất một số giải pháp ngoài giải pháp tăng giá điện để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, tạo điều kiện cho EVN tháo gỡ các khó khăn tài chính, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, năm 2023, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu hàng hóa mà chúng ta đang có thế mạnh giảm sút rõ rệt; cú sốc về chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao, sức cạnh tranh hàng hóa của chúng ta giảm đi; cộng thêm trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hóa của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là các mặt hàng không thiết yếu - vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra thị trường các nước phát triển - như hàng dệt may, da giày.
Sự sụt giảm nhu cầu chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của nước ta trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu 2023 còn phụ thuộc nhiều yếu tố trên thế giới như địa chính trị, cuộc xung đột Nga - Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.
"Tuy vậy, chúng ta có một số mặt thuận lợi, như Việt Nam là một trong số ít quốc gia có độ mở lớn, có nhiều hiệp định FTA đã ký và đã có hiệu lực, nếu chúng ta biết khai thác tốt sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2023 tăng khoảng 6% so với 2022, đạt 393 – 394 tỷ USD. Để đạt được con số này đòi hỏi sự phối hợp các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp./.
- Từ khóa:
- Họp báo Chính phủ
- giá điện