Du lịch

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch cho Bình Thuận

Bình Thuận

Hai bên sẽ cùng phối hợp, hợp tác về các nội dung liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tuyển dụng nguồn lao động du lịch; phối hợp thực hiện các công tác xã hội, tài trợ học bổng.

Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và Trường Đại học Phan Thiết ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành du lịch. 
Ảnh: Hồng Hiếu - TTXVN

Chiều 4/7, tại thành phố Phan Thiết, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và Trường Đại học Phan Thiết đã ký kết hợp tác đào tạo nhân lực du lịch. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình hợp tác trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cao chuyên ngành Du lịch cho Bình Thuận.

Theo đó, hai bên sẽ cùng phối hợp, hợp tác về các nội dung liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tuyển dụng nguồn lao động du lịch; phối hợp thực hiện các công tác xã hội, tài trợ học bổng…

Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết Võ Khắc Thường cho biết, với sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Du lịch Bình Thuận, Trường có lợi thế là đóng chân ngay tại “thủ đô resort” của cả nước. Việc sinh viên được thường xuyên kiến tập, thực tập tại ngay các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn giúp các em có cơ hội tiếp cận ngay quy trình làm việc, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Thực hiện nội dung ký kết, Trường Đại học Phan Thiết sẽ triển khai, phổ biến kế hoạch kiến tập, thực tập đến học sinh, sinh viên; động viên, khuyến khích sinh viên tham gia tốt các đợt kiến tập, thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Trường sẽ giới thiệu nguồn nhân lực có chất lượng cho Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch khi có nhu cầu tuyển dụng; giới thiệu sinh viên đã tốt nghiệp đến ứng tuyển và làm việc tại các doanh nghiệp; tổ chức các buổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về doanh nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Du lịch theo đề xuất của Trường, của Hiệp hội và doanh nghiệp.

Hiệp hội Du lịch Bình Thuận có trách nhiệm tiếp nhận sinh viên Khoa Du lịch của Trường Đại học Phan Thiết tham gia thực tập, thực tế, thực hành tại các doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên, cán bộ, giảng viên Trường đến tham quan, học tập tại các cơ sở của doanh nghiệp du lịch.

Hiệp hội tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn, tay nghề cao tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Phan Thiết; hướng dẫn thực tập, tốt nghiệp cho sinh viên để đảm bảo cung cấp kiến thức thực tiễn cho các em. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ưu tiên tuyển dụng và giới thiệu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Du lịch của Trường Đại học Phan Thiết.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận phát biểu tại lễ ký kết. 
Ảnh: Hồng Hiếu - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết: Chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Hiệp hội luôn chú trọng yếu tố phát triển cộng đồng, nhất là đào tạo và sử dụng nguồn lao động tại địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững của du lịch Bình Thuận

"Từ chương trình ký kết, chúng tôi hướng tới mục tiêu gắn kết cơ sở đào tạo chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch; đưa ra những mô hình, chương trình đào tạo mới như “Học kỳ doanh nghiệp”, “trường học khách sạn”… nhằm đào tạo kiến thức gắn với thực tiễn, trang bị kỹ năng chuyên môn để sinh viên tự tin bước vào thế giới nghề nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch", ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Dịp này, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã công bố quyết định thành lập Chi hội nhân sự đào tạo Du lịch Bình Thuận.

Tận dụng những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa và con người, Bình Thuận đã phát triển mạnh những sản phẩm du lịch lợi thế, hấp dẫn và từng bước xây dựng thương hiệu riêng với mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh. Cùng với các giải pháp đồng bộ về phát triển hạ tầng, xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, tỉnh đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tạo môi trường làm việc, phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu du khách.

Một trong những giải pháp là Bình Thuận triển khai thực hiện đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có khoảng 75% lao động trực tiếp trong ngành Du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch và đến năm 2030, có 85% lao động trực tiếp trong ngành Du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch.

Theo thống kê, cuối năm 2019, Bình Thuận có 28.500 lao động phục vụ trong các cơ sở, doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19, số lao động này đã giảm mạnh, đến nay toàn tỉnh có khoảng 25.000 người./.

Nguyễn Thị Hồng Hiếu

Xem thêm