Văn hóa

Hưng Yên gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc

Hưng Yên

Thông qua không gian trưng bày nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo không gian thưởng lãm và trải nghiệm nghệ thuật, đưa dòng tranh dân gian của dân tộc đến gần hơn với người dân Hưng Yên và du khách.

Bạn trẻ xin chữ tại không gian "Chợ Tết Việt". 
Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Ngày 21/1, tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Tranh dân gian Việt Nam" và "Chợ Tết Việt". Hoạt động nhằm góp phần giữ gìn, lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc qua không gian tranh dân gian và chợ Tết.

Trưng bày chuyên đề nhằm giới thiệu 61 bức tranh tiêu biểu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mang đến cho người xem cảm nhận về loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc với sự đa dạng, phong phú của các dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Tranh dân gian Đông Hồ; tranh Hàng Trống; tranh Hoàng Kim và một số tranh thờ Độc Lôi (Nghệ An), Vũ Di (Vĩnh Phúc)...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đỗ Hữu Nhân cho biết, tranh dân gian là một trong những nét văn hóa tiêu biểu đặc trưng của di sản mỹ thuật Việt Nam. Từ xa xưa, nhân dân đã có tục chơi tranh vào ngày Tết và trở thành nét đẹp truyền thống trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Thông qua không gian trưng bày nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo không gian thưởng lãm và trải nghiệm nghệ thuật, đưa dòng tranh dân gian của dân tộc đến gần hơn với người dân Hưng Yên và du khách.

Theo ông Đỗ Hữu Nhân, không gian "Chợ Tết Việt" được bố trí gần chùa Chuông, nơi được coi là "đệ nhất Sơn Nam" của quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Trong không gian trầm mặc của Phố Hiến cổ, "Chợ Tết Việt" tái hiện ký ức Tết xưa với các gian trưng bày hàng hóa phục vụ Tết theo phong cách dân gian. Hàng hóa được bày bán là nông sản, thực phẩm, trái cây, mứt, tranh Đông Hồ, mặt nạ, giấy bồi… Đáng chú ý, khu ẩm thực với những món ăn truyền thống của vùng đất phố Hiến như mật ong, long nhãn, hạt sen... hấp dẫn thực khách.

Tái hiện không gian chợ Tết xưa. 
Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Mỗi gian hàng với những đặc trưng riêng, giúp khách tham quan và mua sắm có thể cảm nhận rõ nét nhất về hương vị của phiên chợ vào dịp Tết. "Chợ Tết Việt" còn tái hiện một số nghi lễ, phong tục của người Việt dịp Tết đến, Xuân về như: Gói bánh chưng, dựng cây nêu ngày Tết, xin chữ đầu năm, các trò chơi dân gian, các hoạt động du Xuân, văn hóa, nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, hát Ca trù...

Bà Hoàng Thị Tiến, ở thành phố Hưng Yên chia sẻ, được bày bán những thức quà quê giữa không gian chợ lợp mái cọ những ký ức về chợ Tết xưa lại ùa về nên bà cảm thấy rất hạnh phúc. Tết thời hiện đại các gia đình ít có cơ hội tổ chức các hoạt động của Tết xưa, do đó việc tổ chức "Chợ Tết Việt" là cách để giữ gìn và bảo tồn những giá trị truyền thống của cha ông.

Còn đối với em Nguyễn Thị Trang, học sinh Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu, thành phố Hưng Yên, khi đến với "Chợ Tết Việt" em sẽ có nhiều tư liệu quý để phục vụ việc học tập của mình. Trang cho biết, với không gian chợ Tết xưa, em chỉ được nghe qua lời kể của bà, của mẹ nhưng nay được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền em càng thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng những nét đẹp văn hóa của dân tộc./.


Quang Nhiều

Xem thêm