Quyền sở hữu trí tuệ cho phép các doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh cũng như giúp giảm rủi ro trong việc giới thiệu sản phẩm mới hoặc cải tiến ra thị trường.
Hướng dẫn tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu trí tuệ (Nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh)
Quyền sở hữu trí tuệ cho phép các doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh cũng như giúp giảm rủi ro trong việc giới thiệu sản phẩm mới hoặc cải tiến ra thị trường. Đặc biệt, quyền sở hữu trí tuệ tạo giúp chủ sở hữu có được sự độc quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế…Ngoài ra, quyền sở hữu trí tuệ giúp chủ sở hữu giảm khả năng sao chép hoặc bắt chước của đối thủ cạnh tranh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải tiến sản phẩm, dịch vụ và tăng uy tín trên thị trường.
Nhằm giúp nâng cao kiến thức của tổ chức, cá nhân về vai trò, tầm quan trọng việc đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngày 6/8, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức tập huấn hướng dẫn xác lập quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng khai thác thông tin sở hữu công nghiệp.
Dịp này, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ theo quy định mới; tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của thành phố.
Vấn đề xác lập quyền sở hữu trí tuệ ngày càng quan trọng đối với doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ dành nguồn lực cho hoạt động phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của địa phương; tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân như: Tổ chức đào tạo kiến thức sở hữu trí tuệ từ cơ bản đến nâng cao thông qua khóa đào tạo, tập huấn; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, văn bản mới về sở hữu trí tuệ trên phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ.
Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp cần tìm ra cách thức làm cho sản phẩm của mình trở nên khác biệt nhằm thúc đẩy gia tăng thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc giới thiệu sản phẩm mới hoặc được cải tiến và áp dụng phương pháp mới trong sản xuất, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ là chiến lược doanh nghiệp sử dụng nhằm duy trì, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế.
Trong khi đổi mới, sáng tạo và tri thức đang trở thành nhân tố chính của sức mạnh cạnh tranh, các doanh nghiệp đang đối mặt nhu cầu tìm ra cách thức quản lý hiệu quả hoạt động đổi mới, sáng tạo và tri thức của họ một cách hữu hiệu. Một loạt giải pháp quản lý được áp dụng, trong đó áp dụng hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ cho các tài sản trí trí tuệ của doanh nghiệp tạo ra nhằm quản lý thành quả đổi mới, tri thức và sự sáng tạo của mình.
Ông Ngô Anh Tín nhận định, sở hữu trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ pháp lý mà còn là chiến lược kinh doanh quan trọng, luôn đồng hành, gắn kết với hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là hai yếu tố không thể thiếu trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Bằng cách bảo vệ các ý tưởng và khuyến khích sự sáng tạo, chúng ta có thể tạo ra môi trường thuận lợi để tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, từ đó tạo ra giá trị mới cho xã hội cũng như nền kinh tế./.