Sức khỏe

Hướng tới nền y tế thông minh, chuyên sâu

Vĩnh Phúc

Thực hiện tiến trình chuyển đổi số, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã sớm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn theo hướng thông minh, hiện đại.

Vĩnh Phúc hướng tới nền y tế thông minh, chuyên sâu
Ảnh: Nguyễn Thị Thảo/TTXVN

Với mục tiêu cung cấp đa dạng các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân, ngành Y tế Vĩnh Phúc đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền y tế thông minh, hiện đại, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

* Xây dựng hệ thống y tế thông minh

Mang thai con thứ hai ở tháng thứ 7, cứ đều đặn hằng tháng, chị Nguyễn Thị Hiền (30 tuổi, ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc siêu âm và khám thai định kỳ. Thay vì phải xếp sổ đăng ký như trước, chị Hiền được hướng dẫn xếp hàng, quét thẻ căn cước công dân trên phần mềm và ra ghế ngồi đợi tới lượt khám bệnh.

Chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: Trong suốt thời gian khám thai kỳ, chị không cần phải lưu giữ lại giấy tờ mà toàn bộ hồ sơ bệnh án, các giấy tờ hành chính của đều được lưu giữ trên hệ thống phần mềm của bệnh viện. Chị Hiền cũng được hướng dẫn xem các thông tin dễ dàng trên điện thoại có mạng Internet.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân
Ảnh: Nguyễn Thị Thảo/TTXVN

Là đơn vị tiên phong trong triển khai bệnh viện thông minh, không giấy tờ, bác sĩ Lê Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Năm 2023, sau khi bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử đã giúp các quy trình khám, chữa bệnh được số hóa toàn bộ, không cần dùng giấy tờ, sổ sách; mọi thông tin sức khỏe, tiền sử của người bệnh đang điều trị tại bệnh viện được lưu giữ góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh. Tất cả đều bảo đảm an toàn, bảo mật. Bác sĩ có thể truy cập bệnh án của người bệnh một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Thực hiện tiến trình chuyển đổi số, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã sớm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn theo hướng thông minh, hiện đại. Hiện 100% cơ sở y tế đã triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp; 100% cơ sở y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận tiện cho người bệnh. Hệ thống cơ sở y tế trong tỉnh luôn kết nối, liên thông bảo đảm hỗ trợ chuyên môn từ Trung tâm Y tế huyện xuống Trạm Y tế xã và từ các bệnh viện tuyến tỉnh đến Trung tâm Y tế các huyện.

Song hành với đó, ngành Y tế Vĩnh Phúc tạo lập được hơn 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, chiếm hơn 96% dân số tỉnh. Qua đó, tích hợp dữ liệu khám, chữa bệnh với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của người dân, giúp đồng bộ hóa thông tin và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng, cung cấp cho bác sĩ thông tin tổng thể về lịch sử khám, chữa bệnh của từng bệnh nhân, hỗ trợ tối ưu trong chẩn đoán và điều trị.

*Đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến người dân

Cuối tháng 10/2024, các bác sĩ Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã điều trị, nuôi dưỡng thành công bé gái sinh non ở tuần thai thứ 27, nặng 1kg. Được biết, đây là trường hợp được xếp vào nhóm cực non do chào đời ở tuần thai thứ 27. Ngay sau khi sinh, bé được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở không xâm nhập để hạn chế nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng. Do phổi của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất sử dụng kỹ thuật LISA để bơm surfactant, là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay giúp cải thiện chức năng của phổi. Sau 2,5 tháng nuôi dưỡng và điều trị, trẻ đã phát triển bình thường, có khả năng tự thở, ăn sữa tốt, tự đi vệ sinh được.

Hướng tới mục tiêu cung cấp đa dạng các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân trên địa bàn, nhiều năm qua, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai quyết liệt các giải pháp về nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, phát triển lĩnh vực chuyên sâu mũi nhọn.

Tháng 12/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc được đón nhận chứng chỉ hệ thống chất lượng ISO 15189:2012 về hệ thống xét nghiệm y tế chuẩn quốc tế. Đây là đơn vị y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được đón nhận Chứng chỉ công nhận về Hệ thống Quản lý chất lượng phòng xét nghiệm danh giá của Văn phòng Công nhận chất lượng.

Bác sĩ Lê Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Bệnh viện luôn lựa chọn các tiêu chuẩn y học chuẩn mực làm kim chỉ nam cho các kế hoạch và phương hướng nhiệm vụ. Việc đạt chứng chỉ ISO 15189:2012 cho cả 3 hệ thống xét nghiệm Vi sinh, Hóa sinh và Huyết học là minh chứng cho sự cam kết mạnh mẽ về cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, an toàn, và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến hết năm 2024, các đơn vị y tế tuyến tỉnh của Vĩnh Phúc đã thực hiện được 73,2% kỹ thuật theo phân tuyến, tuyến huyện đạt 42,9%; trung bình hằng năm thực hiện từ 500-700 kỹ thuật mới, nhiều kỹ thuật vượt tuyến, chuyên sâu được triển khai tại bệnh viện tuyến tỉnh như: Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); phẫu thuật mở nắp sọ sinh thiết tổn thương nội sọ; phẫu thuật dị dạng động-tĩnh mạch não; phẫu thuật vi phẫu mạch máu thần kinh; phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống; phẫu thuật thay khớp háng - khớp gối nhân tạo..., góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đồng thời người dân được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh mà không cần chuyển đi tuyến Trung ương. Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đối với các dịch vụ y tế đạt 90%.

Ngành Y tế Vĩnh Phúc đang phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai đề nghị hợp tác hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên để đào tạo cầm tay chỉ việc và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa,…về lĩnh vực hồi sức, tim mạch và các lĩnh vực chuyên ngành khác nhằm nâng cao chất lượng nhân lực và dịch vụ các chuyên ngành chuyên sâu về lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Nguyễn Thị Thảo

Tin liên quan

Xem thêm