Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Á tại Hà Nội mang đến cho công chúng nhiều câu chuyện cảm động, chân thực về tử tù, cựu tù Côn Đảo và những thành viên đội rà phá bom mìn.
TTXVN - Trong những ngày cả nước hướng tới ngày Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, triển lãm, ra mắt sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại” và “Biệt đội giữ bình yên “đất lửa” của Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Á tại Hà Nội mang đến cho công chúng nhiều câu chuyện cảm động, chân thực về những con người đặc biệt. Sự kiện thêm một lần nữa khẳng định tinh thần dũng cảm, kiên cường đấu tranh vì độc lập, tự do của người dân đất Việt.
* Chuyện của những cựu tù Côn Đảo
Hơn 200 bức ảnh trong cuốn sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại” do Nhà Xuất bản Thông tấn ấn hành, đưa bạn đọc theo chân các cựu tù trở lại Côn Đảo - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” năm xưa. Đó là hình ảnh về các cựu tù Côn Đảo trở lại nơi buồng giam đã giam cầm họ, là hình ảnh các cựu tù hồi ức về những năm tháng bị đánh đập, tra tấn và hành hạ khắc nghiệt; khoảnh khắc tái ngộ của các cựu tù, tử tù Côn Đảo tại nơi mà họ đã bị giam cầm; giây phút xúc động khi họ viếng thăm đồng đội ngã xuống trên mảnh đất này; là khoảnh khắc xúc động của du khách khi được nghe các cựu tù - “nhân chứng sống” kể về năm tháng họ bị tù đày tại đây…
Có mặt tại triển lãm, cựu tù Trần Thị Trúc Chi kể, bà tham gia cách mạng từ rất sớm và bị địch bắt khi còn rất trẻ - mới 16 tuổi. Sau thời gian dài kẻ địch tra tấn nhưng không moi được tin tức gì từ bà, chúng đưa bà ra Côn Đảo và giam giữ ở đó 3 năm (1972-1974). Trong suốt thời gian đó, bà bị kẻ địch mọi thủ đoạn dã man nhất để tra tấn, nhưng vẫn không lung lạc được ý chí, tinh thần cách mạng của bà.
Cựu tù Trần Thị Trúc Chi cho biết, những năm tháng bị giam hãm trong tù, nhờ sự thương yêu, dạy dỗ của các dì, các chị, bà biết sống có lý tưởng, sống có tình nghĩa, gìn giữ khí tiết người chiến sỹ cách mạng.
“Tôi đã trưởng thành rất nhanh từ những bài học thực tế, từ cuộc đấu tranh của tập thể các anh và tập thể nữ. Đã 50 năm, đến nay, ký ức về những năm tháng tù đày ở Côn Đảo không bao giờ phai nhạt. Tôi nhớ quá khứ không phải để thù hận kéo dài, mà để nhớ rằng, cái giá của hòa bình không hề thấp, chúng ta phải hy sinh quá nhiều”, cựu tù Trần Thị Trúc Chi xúc động chia sẻ.
Tại triển lãm, bà Phan Thị Bé Tư, một cựu tù Côn Đảo đã chia sẻ với công chúng về nguồn gốc bức ảnh, cũng là trang bìa cuốn sách “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại" được Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ghi lại. Đó là hình ảnh một nữ du khách tại Côn Đảo đã xúc động ôm chầm lấy bà và bật khóc, khi nghe bà kể lại câu chuyện của mình trong chuyến trở lại Côn Đảo.
Cựu tù Phan Thị Bé Tư kể, khi xưa, bà công tác ở Tổ Võ trang tuyên truyền, Ban Công vận T4 Khu Sài Gòn - Gia Định. Trong quá trình chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), bà bị địch bắt, tra tấn dã man và giam giữ nhiều năm ở Côn Đảo.
Đến nay, đã hơn 50 năm trôi qua, cựu tù Phan Thị Bé Tư vẫn nhớ như in những đòn tra tấn dã man của địch. Bà kể, khi bà bị bắt, kẻ địch dùng mọi thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn nhất để tra tấn. Chúng vừa sử dụng điện tra tấn, bà nhiều lần chết đi sống lại, đổ nước xà phòng, nước muối ớt vào mũi, nhét vôi bột vào họng… Tra tấn đến khi bà ngất xỉu, chúng lại hắt nước lạnh vào để bà tỉnh rồi tra tấn tiếp… Sau một thời gian dài tra tấn dã man mà không moi được tin tức, bà bị địch đưa ra Côn Đảo.
Bà Phan Thị Bé Tư kể, trong thời gian bị giam giữ ở Côn Đảo, dù bị địch tra tấn, đánh đập, bà vẫn tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng trong tù như: chống chào cờ, chống nội quy… cùng với anh chị em trong tù vừa học tập, vừa tổ chức sinh hoạt văn hóa, ca hát đả đảo kẻ địch.
“Hơn 50 năm qua, tôi không thể quên nỗi đau của những năm tháng bị tù đày, giờ đây, tôi nén lòng kể cho con cháu, thế hệ sau này nghe câu chuyện của mình, chỉ với mong muốn, con cháu ghi nhớ và biết trân trọng, bởi ngày tháng hòa bình, độc lập hôm nay được đánh đổi bằng xương máu, bằng tính mạng của bao thế hệ chiến sỹ cách mạng đi trước", cựu tù Phan Thị Bé Tư chia sẻ.
Bên cạnh đó, câu chuyện của các tử tù, cựu tù khác như bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; cựu tù Võ Ái Dân; Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Võ Văn Em, cựu tù Nguyễn Ngọc Ánh… đã mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc đặc biệt, sự cảm phục đối với tinh thần kiên cường chiến đấu của các cựu tù nơi "địa ngục trần gian".
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ, anh thực hiện bộ sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại” với mong muốn góp tấm lòng tưởng nhớ đến những người đã mãi mãi nằm lại trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc nói chung, bày tỏ sự kính trọng với tử tù, cựu tù Côn Đảo nói riêng - những “tượng đài sống” mà anh có cơ hội tiếp cận bằng xương bằng thịt. Họ giờ đây vẫn còn kịp nhìn ngắm và tận hưởng những tháng ngày hòa bình của đất nước. Bên cạnh đó, anh muốn gửi đến thế hệ trẻ thông điệp: Hãy biết trân quý giá trị của hòa bình, thấu hiểu những hy sinh cao cả của nhiều cô, chú, bác ngày trước...
* Chuyện về biệt đội giữ bình yên “đất lửa”
Bên cạnh những hình ảnh và câu chuyện xúc động về các cựu tù Côn Đảo, đợt này, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á còn giới thiệu đến công chúng cuốn sách “Biệt đội giữ bình yên đất lửa”, gồm nhiều hình ảnh, câu chuyện về các thành viên đội rà phá bom mìn trên “đất lửa" Quảng Trị đang ngày đêm thực hiện công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á kể, anh phải mất 9 tháng với nhiều lần đến Quảng Trị để ghi lại hoạt động rà phá bom mìn của các thành viên thuộc dự án NPA/RENEW - Chương trình Khảo sát và rà phá bom mìn của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) hợp tác với Dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị.
Khoảng 170 bức ảnh trong cuốn sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” đã ghi lại khoảnh khắc ấn tượng về đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị - những người được ví như những “sứ giả hòa bình” đi tìm và khâu lại những vết thương chưa lành cho quê hương.
Đó là những hình ảnh về các thành viên trong đội không quản nắng, mưa, miệt mài tìm kiếm, rà phá bom mìn trong từng tấc đất; các chuyên gia trong nước, quốc tế cùng thảo luận, thăm hiện trường rà phá bom mìn; những buổi diễn tập sơ cấp cứu nạn nhân bom mìn tại hiện trường… Công chúng đặc biệt ấn tượng với sự dũng cảm, tận tâm, không quản ngại hiểm nguy để bảo vệ sự bình yên cho người dân Quảng Trị.
Chị Phan Thị Thu Hương, Phó đội trưởng Đội rà phá toàn nữ chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị, nên từ khi còn nhỏ, chị đã biết và chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm do bom mìn gây ra. Hàng xóm của chị, có người bị cụt chân, cụt tay, thậm chí có người đã chết vì bom mìn nổ trong quá trình đi tìm phế liệu. Bố chị trong lúc đi làm ruộng cũng không may bị một quả bom phát nổ, lấy đi của ông con mắt phải… Thấu hiểu nỗi đau do hậu quả chiến tranh để lại là rất thảm khốc, khi biết dự án ra phá bom mìn có tuyển nhân sự nữ, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia và trúng tuyển. Đến nay, đã 5 năm làm công việc này, dù biết đó là công việc nguy hiểm, nhưng chị không chùn bước bởi đó là công việc ý nghĩa mà chị có thể làm cho người dân quê mình.
Cũng như chị Hương, anh Hoàng Kim Chiến – Đội trưởng Đội xử lý bom mìn số 1 của dự án cho biết, anh tham gia công việc này với mong muốn làm được việc có ích cho gia đình, quê hương, nhằm giảm bớt lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị. Đến nay, anh đã công tác tại dự án được 14 năm, cùng với anh em trong đội xử lý hàng nghìn quả bom, đạn các loại. Mong ước của anh là làm sạch bom mìn trên “đất lửa”, để quê hương Quảng Trị được bình yên.
Theo chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý chương trình Khảo sát và rà phá bom mìn, Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại Dự án RENEW, tỉnh Quảng Trị, tính đến cuối tháng 6/2023, NPA/RENEW đã hoàn thành công tác lập bản đồ các khu vực ô nhiễm bom đạn chùm tại 690 thôn của tỉnh Quảng Trị, với diện tích ô nhiễm lên đến gần 619km2, rà phá an toàn gần 25km2 và xử lý an toàn hơn 126.000 vật liệu nổ các loại.
Tại triển lãm, công chúng đặc biệt xúc động khi các thành viên đội rà phá bom mình nghẹn ngào kể lại câu chuyện về một thành viên trong đội - Đội trưởng Đội xử lý bom mìn đã hy sinh bởi quả bom phát nổ trong quá trình xử lý. Sự hy sinh của đồng nghiệp khiến cho các thành viên trong Đội càng thêm quyết tâm tìm kiếm và xử lý hết bom mìn, để không ai còn phải chịu sự mất mát, đau thương do hậu quả chiến tranh nữa.
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Á thực hiện cuốn sách “Biệt đội giữ bình yên “đất” lửa”” với mong muốn giúp công chúng hiểu và biết thêm về những người đang làm công việc rà phá bom mìn - một công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Đặc biệt, bên cạnh đội toàn nam, câu chuyện về đội toàn nữ đã gây xúc động mạnh cho công chúng bởi những phụ nữ "chân yếu tay mềm" đã làm nên những kỳ tích trong việc giữ bình yên cho vùng đất lửa Quảng Trị.
“Tôi thực hiện cuốn sách và tổ chức triển lãm với mong muốn tôn vinh những con người quả cảm, thầm lặng trong thời bình, luôn cẩn trọng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt để rà phá, loại bỏ bom mìn, giữ bình yên cho vùng đất đầy bom đạn chiến tranh này”, Nghệ sỹ, Nhiếp ảnh Nguyễn Á chia sẻ./.