Du lịch

Khai thác tiềm năng du lịch

Lạng Sơn

UBND huyện Đình Lập triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh.

Du khách trải nghiệm công đoạn hái những búp chè sạch tại đồi Chè Tre Hóa, thị trấn Nông Trường, huyện Đình Lập
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách trong và ngoài nước, thời gian qua, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, khám phá gắn với hoạt động sản xuất, đời sống của người dân, xem đây là sản phẩm tiềm năng, có khả năng phát triển và mang lại hiệu quả cao...

Triển vọng từ du lịch nông thôn

Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đình Lập Hoàng Thị Kim Hoạt cho biết, nhận thức rõ tiềm năng phát triển du lịch của huyện, thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND huyện triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh như: Sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa; du lịch biên giới, du lịch nông thôn…

Đặc biệt, từ năm 2022, huyện đã xây dựng điểm du lịch nông thôn tại vùng đồi chè thôn Hoà An, xã Thái Bình kết nối các vùng chè ở khu vực xã Thái Bình và thị trấn Nông Trường. Đồng thời hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái trải nghiệm hồ Pắc Làng (thị trấn Nông Trường Thái Bình, xã Thái Bình) kết nối với các hoạt động sản xuất, chế biến, thưởng thức các sản phẩm chè tại thị trấn Nông trường Thái Bình và khám phá các đồi chè đẹp trên địa bàn.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại đồi Chè Tre Hóa, thị trấn Nông Trường, huyện Đình Lập
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Là một trong những đơn vị được huyện lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Trần Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chè Thái Bình - Lạng Sơn, huyện Đình Lập chia sẻ, sản phẩm du lịch trải nghiệm vườn chè rất độc đáo. Vì vậy, Công ty đã thực hiện nhiều đổi mới như cải tạo vườn chè xanh, sạch, đẹp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng khu trải nghiệm để khách du lịch có thể đến để tham quan, hái chè, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất chè. Từ khi đi vào hoạt động đến nay các đồi chè trên địa bàn huyện đã thu hút gần 5.000 lượt khách…

Khảo sát tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Đình Lập, Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, Đình Lập có tiềm năng lớn về du lịch nông nghiệp với những đồi chè đẹp, có các khu rừng nguyên sinh, lòng hồ rộng... Đây là những điều kiện lý tưởng để xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, trải nghiệm quy trình sản xuất chè, du lịch sinh thái tham quan trải nghiệm, cắm trại, treckking…

Thu hút đầu tư, xúc tiến du lịch

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Bích Hạnh nhìn nhận, huyện Đình Lập có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch xanh với những đập nước trong xanh, không khí mát mẻ, đặc biệt, huyện có vùng trồng chè nguyên liệu tập chung tại thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Lâm Ca và xã Thái Bình… rất thích hợp để triển khai xây dựng mô hình du lịch nông thôn.

Khách du lịch tham quan Hồ Pác Làng, huyện Đình Lập
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Thời gian tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ huyện xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch nông thôn, trải nghiệm đời sống, lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện xây dựng điểm tham quan, sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Bà Tô Thị Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Đình Lập giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện tốt các giải pháp như: chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để hoàn thiện chủ trương đối với các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 tại hai thị trấn trên địa bàn huyện là khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hồ Khuổi In và hồ Pắc Làng.

Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển du lịch, xây dựng tuyến phố đi bộ trên địa bàn thị trấn huyện Đình Lập; khôi phục các di tích lịch sử, cách mạng, di tích văn hóa như: khôi phục Đình Háng Slấp (thị trấn Đình Lập), khánh thành di tích đèo Khau Háy (xã Kiên Mộc)…

Du khách trải nghiệm các công đoạn chế biến chè tại Công ty Cổ phần chè Thái Bình - Lạng Sơn đóng trên địa bàn huyện Đình Lập
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Bên cạnh đó huyện xác định rõ các biện pháp để khai thác, phát triển du lịch như: phối hợp khảo sát, phát triển thị trường; đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch; tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh. Huyện đẩy mạnh truyền thông về các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương bằng việc tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; giới thiệu vẻ đẹp về mảnh đất và con người qua các nền tảng mạng xã hội…

Đặc biệt, vào tháng 5/2024, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức chuyến khảo sát kết nối, phát triển tour, tuyến du lịch trên địa bàn, đồng thời ký kết hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn. Các doanh nghiệp lữ hành và chủ thể cung ứng dịch vụ nông thôn tại huyện đã ký kết hợp tác "Khai thác sản phẩm nông nghiệp nông thôn" với các đơn vị, hãng lữ hành các địa phương../.


Anh Tuấn

Xem thêm