Thành phố Hà Nội xây dựng được thương hiệu, hình ảnh, tạo sự thân thiện, gần gũi, mến khách và đã được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”, “Thành phố vì hòa bình”.
Với bề dầy văn hóa ngàn năm, Thủ đô Hà Nội đang tạo ra sức hút lớn với du khách và bạn bè quốc tế.
*Tiềm năng lớn
Là nơi tiếp giáp giữa vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng trung du miền núi phía Bắc nên Hà Nội có nhiều lợi thế trong giao thương với các tỉnh trong vùng và cả nước. Đồng thời, Thủ đô Hà Nội cũng nằm trên trục 4 hành lang kinh tế, trong đó có 2 hành lang quốc tế kết nối với các tỉnh của Trung Quốc - thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam.
Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú với hệ thống sông, hồ, đồi núi, các khu sinh thái, vườn quốc gia Ba Vì, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... Các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật trên là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao.
Thành phố còn có hệ thống di sản văn hóa - lịch sử đặc sắc, bao gồm gần 6.000 di tích, trong đó có di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và nhiều di tích cấp quốc gia như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột và các khu phố cổ; kiến trúc của Hà Nội mang đậm dấu ấn của lịch sử lâu dài, gắn với cuộc sống sinh hoạt người dân, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo.
Hà Nội cũng được mệnh danh là Thủ đô của chùa chiền, Thủ đô của các làng nghề truyền thống-là lợi thế quan trọng để phát triển du lịch văn hóa. Các giá trị văn hoá phi vật thể, lễ hội, ẩm thực đa dạng và đặc sắc cũng là những giá trị tài nguyên du lịch quý giá để khai thác các loại hình du lịch văn hóa.
Với hệ thống giao thông đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy đến Hà Nội được kết nối một cách thuận tiện với các nước trên thế giới, khu vực Đông Nam Á và các tỉnh, thành phố trong nước nên du khách thường lựa chọn tới Thủ đô trước tiên bắt đầu cuộc hành trình khám phá của mình.
Hệ thống cơ sở lưu trú của Hà Nội cũng đứng đầu cả nước với nhiều khách sạn từ cao cấp đến bình dân, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch.
Thành phố Hà Nội xây dựng được thương hiệu, hình ảnh, tạo sự thân thiện, gần gũi, mến khách và đã được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”, “Thành phố vì hòa bình”.
*Tăng trưởng ấn tượng
Khai thác lợi thế trên, ngay từ đầu năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Các thông điệp “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch tại thành phố.
Ngành Du lịch Hà Nội đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
Thành phố xây dựng đa dạng hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, nền tảng mạng xã hội nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội.
Trong tháng 10, thành phố tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được vinh danh Thành phố vì hòa bình, tổ chức Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024...
Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng 10 đạt 586 nghìn lượt người, tăng 18,1% so với tháng trước và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách quốc tế tháng 10 đạt 405 nghìn lượt người, tăng 26,5% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế ước đạt hơn 3,5 triệu lượt người, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 416,6 nghìn lượt người, tăng 9,9%, Trung Quốc 407 nghìn lượt người, tăng 70,5%, Hoa Kỳ 221,4 nghìn lượt người, tăng 21,6%, Nhật Bản 215,5 nghìn lượt người, tăng 25,5%...
Khách du lịch nội địa tháng 10 ước đạt 181 nghìn lượt người, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2024, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
“Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn", khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.
Thời gian tới, Hà Nội quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề; phát triển các sản phẩm thế mạnh như du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe...
Bên cạnh đó, Hà Nội tăng cường tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa như Lễ hội thu Hà Nội, Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội...
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch mạnh mẽ. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đang có nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn thu hút du khách nhất là dịp mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch cũng như Tết cổ truyền dân tộc năm 2025 đang đến gần./.