Thời sự

Khẳng định vị thế Thủ đô - "Thành phố vì hòa bình"

Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, xây dựng Hà Nội thành một thành phố hiện đại, đậm đà bản sắc, giữ vững danh hiệu cao quý, phát huy vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Cách đây 25 năm, ngày 16/7/1999, Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô đã không ngừng nỗ lực, xây dựng Hà Nội thành một thành phố hiện đại, đậm đà bản sắc, giữ vững danh hiệu cao quý, phát huy vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Để được UNESCO chọn là 1 trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện duy nhất cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận Giải thưởng UNESCO - "Thành phố Vì hòa bình" năm 1999, Hà Nội đã đáp ứng nhiều tiêu chí đề ra, như: Có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề về đô thị hóa, môi trường sinh thái…

Sau 25 năm, Thủ đô đã có nhiều thay đổi, to đẹp hơn, khang trang hơn. Trong ảnh: Quận Hà Đông trên đường trở thành đô thị phát triển toàn diện của thành phố Hà Nội. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

25 năm trôi qua, Hà Nội đã không ngừng phát triển, mạnh mẽ vươn lên, đạt những thành tựu đáng tự hào, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, trung tâm lớn về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.

Về kinh tế, so với 25 năm trước, thành phố có diện tích rộng hơn, dân số đông hơn, nhưng Hà Nội vẫn luôn duy trì được vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2023, GRDP Hà Nội tăng 6,27%, gấp 1,24 lần mức tăng cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng, gấp 1,45 lần mức trung bình cả nước.

Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8% dân số cả nước nhưng Hà Nội đã đóng góp 12,6% về GRDP, 17,1% về thu ngân sách nhà nước và 4,6% kim ngạch xuất khẩu. Hà Nội cũng là một trong hai thành phố của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng 15 thành phố phát triển nhanh nhất thế giới đến năm 2033 do Savills công bố (tháng 6/2024).

Hà Nội luôn trong nhóm đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2023, thành phố đã thu hút 2.943 triệu USD vốn FDI, tăng 70,5% so với năm 2022. Hằng năm, các doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Với vị thế là “Thành phố vì hòa bình” Hà Nội đã thu hút hàng triệu du khách cả trong nước và quốc tế đến tham quan. Năm 2023, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (tăng 27% so với năm 2022), trong đó khách quốc tế đạt 4 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022. Đáng chú ý, những năm gần đây, thương hiệu du lịch Hà Nội không ngừng được củng cố và nâng cao trên bản đồ du lịch quốc tế. Tính riêng năm 2023, Hà Nội đã “gặt hái” được thưởng quốc tế với vị trí đánh giá, xếp hạng cao, như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, điểm đến du lịch thành phố hàng đầu trên thế giới, điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới… Các giải thưởng đã khẳng định Hà Nội không chỉ là điểm đến an toàn mà còn rất độc đáo, đặc sắc và chất lượng.

Hồ Tây một chiều Thu. 
Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn chú trọng công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 0,03%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,33% dân số. Các lĩnh vực văn hóa, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực được tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho du lịch… Công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.

Lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển toàn diện. Hà Nội dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước.

 Phòng chiếu đèn cho trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý về da của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. 
Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Lĩnh vực y tế cũng có bước phát triển vững chắc, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, Hà Nội luôn chú trọng làm tốt công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các cơ quan và hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các sự kiện chính trị, văn hóa lớn; các hoạt động, chuyến thăm của các nguyên thủ các quốc gia. Thủ đô Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, như: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) (2015); Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai (2019); SEA Games 31 (2022)... Việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế này không chỉ khẳng định Hà Nội-Việt Nam có thể đáp ứng đầy đủ điều kiện về vật chất và an ninh cho các sự kiện lớn, mà còn góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không chỉ sở hữu nhiều di sản văn hóa, Hà Nội còn là mảnh đất ươm mầm không gian sáng tạo. Đây cũng là nền tảng để nâng đỡ, khai mở, làm giàu thêm các tài nguyên di sản vốn có, đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo (lĩnh vực thiết kế) năm 2019.

Theo các chuyên gia của UNESCO, cộng đồng quốc tế rất ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội, không chỉ là hình ảnh một thành phố phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh mà còn là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực. 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, lòng quả cảm chiến đấu vì độc lập, tự do, khát vọng hòa bình và dựng xây quê hương của quân và dân Thủ đô không chỉ được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tôn vinh là “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình” và "Thành phố sáng tạo". Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô ngày một giàu mạnh, tại Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong 25 năm tới. Đó là:

Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Lĩnh vực kết cấu hạ tầng được Hà Nội ưu tiên đầu tư phát triển, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân - Cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng được coi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. 
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Mới đây, ngày 29/3/2024, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI cũng đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực…

Cùng với mục tiêu của Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội đang nỗ lực trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường, vừa giúp giảm khói bụi, tiếng ồn, vừa nâng cao mỹ quan đô thị. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội, gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế -xã hội, 5 vùng đô thị. Quy hoạch cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị; Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến; đồng thời khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị…

Với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được thành phố xác định, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trong những năm tới, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp, xứng tầm là Thủ đô, trái tim của cả nước./.

Nội dung: Minh Duyên

Biên tập: Vũ Bắc

Thiết kế: Vũ Bắc

Ảnh: TTXVN

Tin liên quan

Xem thêm