Xã hội

Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7: Những cán bộ Công đoàn Thủ đô đang ngày đêm vì người lao động

Hà Nội

Dù công tác ở những địa bàn, lĩnh vực khác nhau, thời gian gắn bó với hoạt động Công đoàn khác nhau nhưng điểm chung của Chủ tịch Công đoàn cơ sở là sự nhiệt huyết, nói đi đôi với làm, tạo nên phong cách riêng của cán bộ Công đoàn Thủ đô.

Tuyên dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu.
Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đều xét chọn, biểu dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu nhằm ghi nhận sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, đặc biệt là Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Năm 2024, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương 95 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu đại diện cho trên 9.000 Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh nhấn mạnh, dù công tác ở những địa bàn, lĩnh vực khác nhau, thời gian gắn bó với hoạt động Công đoàn khác nhau nhưng điểm chung của Chủ tịch Công đoàn cơ sở là sự nhiệt huyết, luôn hết mình với phong trào, nói đi đôi với làm, tạo nên phong cách riêng của cán bộ Công đoàn Thủ đô.

Tại Trường Tiểu học Đoàn Khuê (quận Long Biên), chị Phan Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Công đoàn cũng được đánh giá, ghi nhận với những thành tích đáng tự hào. Ngay từ đầu năm học, chị Phan Thị Mỹ Hạnh đã chủ động cùng Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức Hội nghị viên chức, vận động đoàn viên đăng ký các danh hiệu thi đua; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đề ra; kịp thời bổ sung những thiếu sót, hạn chế còn tồn tại để có biện pháp khắc phục.

Để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, chị Hạnh đề xuất nhà trường nhiều việc làm cụ thể. Trong đó, Phòng nghỉ Công đoàn dành cho cán bộ giáo viên nghỉ ngơi sau mỗi giờ lên lớp và là nơi tổ chức sinh hoạt Công đoàn đã đi vào hoạt động hiệu quả với đầy đủ tiện nghi; ra mắt "Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh" tại trường, tạo môi trường học tập, trải nghiệm thực tế cho đoàn viên, học sinh nhà trường, đồng thời lan tỏa tới các đơn vị khác trên địa bàn quận…

Nỗ lực của chị Hạnh cùng tập thể Ban Chấp hành Công đoàn Trường Tiểu học Đoàn Khuê đã được công đoàn cấp trên ghi nhận, Công đoàn trường nhiều năm liền đạt Công đoàn cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua năm học 2023 - 2024. Nhiều năm liền chị Phan Thị Mỹ Hạnh đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning cấp thành phố; năm học 2023 - 2024, giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận; Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu năm 2024.

Vinh dự, tự hào khi được tổ chức Công đoàn Thủ đô vinh danh, chị Nguyễn Thị Hải Huyền - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Bê Tông (thuộc Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ) cho biết, mặc dù đảm đương "2 vai", nhưng dù ở bất cứ vị trí công tác nào chị cũng luôn cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hơn 5 năm làm Chủ tịch Công đoàn nhà trường, chị luôn nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm, nỗ lực để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, đoàn viên, người lao động, xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn vững mạnh.

"Thực tế ở Trường Tiểu học Bê Tông, cán bộ Công đoàn luôn là nòng cốt, hạt nhân trong mỗi phong trào được phát động, trở thành động lực thúc đẩy các đoàn viên cố gắng, nỗ lực và cống hiến, tạo thành nét đẹp văn hóa và khí thế thi đua sôi nổi", chị Huyền tâm sự.

Đặc biệt, cùng sự đoàn kết, nhất trí của tập thể đoàn viên, người lao động trong nhà trường, Công đoàn Trường Tiểu học Bê Tông được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cờ thi đua xuất sắc của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.

Anh Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Meiko Việt Nam.
Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Ở khối doanh nghiệp, một trong những Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu phải kể đến anh Phan Thanh Hải, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Meiko Việt Nam. Vừa là Chủ tịch Công đoàn, lại kiêm Trưởng phòng Văn phòng Tổng Giám đốc công ty, anh Phan Thanh Hải luôn tìm tòi, tham gia đàm phán, xây dựng, ký kết bản Thỏa ước Lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. Cụ thể như: Tăng thêm 5 ngày nghỉ phép vượt quá quy định của luật cho người lao động (phép đặc biệt của công ty); nhân viên đi làm không nghỉ, tính ngày nghỉ hưởng lương là ngày làm việc với mức trợ cấp 1.000.000 đồng/năm; hàng tháng tổ chức 4 - 8 bữa ăn đặc biệt (36.000 đồng/suất); duy trì việc thăm hỏi, động viên, quyên góp giúp đỡ và đề xuất Công đoàn cấp trên hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà dịp sinh nhật, hiếu hỷ, tiệc cuối năm, bốc thăm trúng thưởng, chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết, xây khu nhà ở cho công nhân… Từ năm 2013 đến nay, công ty duy trì tổ chức thành công tiệc tất niên; đêm văn nghệ Meiko; du lịch hè cho toàn thể cán bộ, công viên.

Anh Phan Thanh Hải trao đổi công việc với đồng nghiệp.
Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Anh Phan Thanh Hải còn cùng các nhà máy tổ chức phong trào thi đua lao động sôi nổi, thu hút hầu hết người lao động tham gia nhằm phát huy sáng kiến, cải tiến, giảm tỷ lệ lỗi trong sản xuất, từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, Công đoàn, đoàn viên và người lao động đã nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ vậy, hàng năm công ty đều đạt mức tăng trưởng khoảng 20%, đảm bảo thu nhập của người lao động 11,3 triệu đồng/tháng… Đây là sự nỗ lực của cả tập thể Ban lãnh đạo cùng hơn 5.000 đoàn viên, người lao động, đặc biệt phải kể đến công sức của người "thủ lĩnh" Công đoàn Phan Thanh Hải.

Chị Phạm Hải Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh kiện điện tử SEI (Việt Nam) đã tạo dựng được lòng tin của người lao động với tổ chức Công đoàn bằng những hoạt động thiết thực.

Gắn bó với công ty từ ngày mới thành lập năm 2012 đến nay, chị Hà cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở chủ động nắm bắt nguyện vọng chính đáng của hơn 6.000 công nhân để đưa ra giải pháp vận động, đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh, thực hiện đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Theo đó, ký kết, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể có nhiều điều khoản có lợi như: Lương trong thời gian thử việc được chi trả 100% thay vì 85% theo quy định của luật; lương tháng 13 tính theo hệ số, bao gồm cả trợ cấp; các khoản trợ cấp chia theo đối tượng (công nhân được thưởng các ngày lễ, Tết…).

Chị còn tham gia thương lượng thành công chất lượng bữa ăn ca (không kể gạo, điện, nước) từ 19.000 đồng năm 2019 lên 25.000 đồng/suất năm 2024, đồng thời, sắp xếp 1 bữa ăn đặc biệt hàng tuần trị giá 40.000 đồng. Bên cạnh đó, chị Hà tích cực vận động đoàn viên, người lao động tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hăng say sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt và sản lượng cao…

Còn nhiều tấm gương Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu không thể kể đến, nhưng điểm chung của họ đều là những người thủ lĩnh tổ chức, triển khai có hiệu quả các nội dung hoạt động của Công đoàn cơ sở; có tinh thần trách nhiệm cao với nhiều sáng kiến, sáng tạo, chủ động, đổi mới trong hoạt động Công đoàn.

Hà Nội hiện có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc; với tổng số 9.208 Công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên Công đoàn./.

Linh Khánh

Tin liên quan

Xem thêm