Xã hội

Người thương binh gần 80 tuổi vẫn không ngừng học

Đắk Lắk

Tuổi cao, mang trong mình nhiều thương tật nhưng ông Trần Xuân Bình (ở xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn lao động để phát triển kinh tế, đồng thời nỗ lực học tập không ngừng và tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Vườn cây ăn trái của gia đình ông Trần Xuân Bình cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Ở xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), thương binh, bệnh binh Trần Xuân Bình là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực cho lớp trẻ noi theo. Dù đã gần tuổi 80 và mang nhiều thương tật do chiến tranh, hằng ngày ông Bình vẫn lao động để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời nỗ lực học tập không ngừng và tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Ông Trần Xuân Bình sinh năm 1947, tại tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông hăng hái lên đường tham gia thanh niên xung phong. Ông Bình kể lại, lúc bấy giờ, ông là một trong những người thuộc đơn vị đầu tiên mở đường Trường Sơn. Tham gia thanh niên xung phong được hai năm, ông chuyển về Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Tham gia quân ngũ gần 16 năm, ông đã trải qua nhiều trận chiến đấu kiên cường chống Mỹ cứu nước ở chiến trường phía Nam, mặt trận Tây Nam, chiến trường tại nước bạn Campuchia…

Năm 1980, hoàn thành nghĩa vụ người lính, ông trở về quê hương với thương tật 32% và là bệnh binh 61%. Chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, sự ra đi của bao đồng đội, bản thân cũng chịu nhiều vết thương, ông Trần Xuân Bình khao khát được góp sức xây dựng đất nước, giữ vững hòa bình. Trong cuộc sống đời thường, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, người thương binh Trần Xuân Bình canh cánh tấm lòng mong mỏi tiếp tục phụng sự đất nước.

Năm 1989, ông cùng vợ và các con vào tỉnh Đắk Lắk sinh sống; hoàn cảnh khó khăn, để mưu sinh ông phải làm đi làm thuê... Đến nay, qua nhiều năm tích lũy, gia đình ông đã có đất trồng nhiều loại cây ăn trái, kinh tế dần ổn định và phát triển. Ông trồng hồ tiêu, cà phê… cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm. Sau thời gian, các loại cây này trở nên già, cằn cỗi, ông chuyển sang trồng cây ăn trái. Vườn cây của gia đình ông trồng các loại cây như: sầu riêng, bơ, nhãn, bưởi, mít… cho thu nhập  khoảng 50-70 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.

“Từ trồng cây theo kiểu truyền thống, tôi chuyển qua trồng cây ăn trái trái vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu chuyển đổi, tôi gặp nhiều khó khăn, nhiều lần thất bại. Qua đó, tôi rút ra bài học để bản thân có thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi cũng tìm tòi, nghiên cứu trên sách, báo, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Đến nay, sau 3 năm, bước đầu vườn cây của gia đình đã mang lại hiệu quả. Vì trồng trái vụ nên các loại bán được giá cao hơn so với chính vụ”, ông Bình chia sẻ.

Năm 1995, ông tham gia công tác tại xã Hòa Khánh. Gần 30 năm công tác, ông đảm nhiệm qua các vai trò Chủ tịch Cựu chiến binh, Trưởng ban Chính sách, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong, Chủ tịch Hội Khuyến học… Bản thân ông là thương binh, bệnh binh, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế nhưng nhiều năm qua ông luôn cố gắng vượt qua khó khăn để nghiên cứu, học tập, thực hiện việc học liên tục và xác định là đến cùng.

Thương bệnh binh Trần Xuân Bình (giữa) luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Ông Bình trao đổi về quan điểm học không chỉ trong nhà trường mà cần học mọi lúc, mọi nơi. Học để biết, để làm người và học để làm việc, mở mang trí tuệ. Do đó, dù thương binh, nhưng ông Bình đã luôn phấn đấu xây dựng kinh tế gia đình vững chắc và sẵn sàng đóng góp cho xã hội.

Khi tuổi đã cao, không tham gia các lớp học được, ông Bình chủ động học hỏi qua sách báo, tivi, tham gia giao lưu, hội họp… Với hình thức như vậy, nội dung ông Bình học tập được cũng hết sức đa dạng, phong phú như tìm hiểu, nghiên cứu các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách mới để làm cơ sở nhận thức cho hoạt động thực tiễn, tìm hiểu học tập về kiến thức khoa học công nghệ, kỹ thuật, văn hóa lịch sử, truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng… 

Với vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học và Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã, ông Bình luôn nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm, cố gắng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nhờ có sự hiểu biết, ông đã áp dụng thành công trong việc tuyên truyền, truyền đạt kinh nghiệm cho người thân, xóm làng và hội viên, để kiến thức được lan tỏa.

Hiện nay, những người con của ông Bình đều đã tốt nghiệp Đại học, là đảng viên, trưởng thành và ổn định cuộc sống. Các cháu ông đều học giỏi, chăm ngoan. Gia đình sống hòa thuận, mẫu mực, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Gia đình học tập, Gia đình văn hóa.

Trước những cố gắng không ngừng nghỉ, người thương binh, bệnh binh Trần Xuân Bình nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Năm 2023, tại Lễ tuyên dương, khen thưởng các cá nhân thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng" do Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, ông vinh dự là một trong số các cá nhân tiêu biểu được vinh danh.

Ông Nguyễn Văn Hợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khánh cho biết, ông Trần Xuân Bình là là tấm gương cho toàn hội viên khác học tập. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông đã vượt lên mọi khó khăn làm kinh tế gia đình, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, phong trào của địa phương và đặc biệt hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khánh Trần Quốc Thắng khẳng định, đồng chí Trần Xuân Bình là một trong những tấm gương nỗ lực phấn đấu đóng góp rất nhiều cho xã hội và địa phương. Dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng đồng chí tham gia tích cực các hoạt động của xã nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và được đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ yêu quý. Sự cố gắng vươn lên của đồng chí Bình đã lan tỏa đến các tầng lớp thanh niên. Mặc dù lớn tuổi, đồng chí luôn học tập không ngừng, thường xuyên nghiên cứu các chủ trương, chính sách, văn bản của Đảng, Chính phủ để phổ biến cho người dân, đồng nghiệp…

Cựu chiến binh là người những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Phát huy phong trào học và làm theo Bác, thời gian tới, xã Hòa Khánh sẽ đưa phong trào học tập để cựu chiến binh làm nòng cốt nhân rộng thêm nhiều mô hình để thế hệ trẻ noi theo./.

Nguyên Dung

Tin liên quan

Xem thêm