Chị Bùi Thị Kim Soan đã có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn để lao động nữ đảm bảo các chế độ, chính sách.
Với vai trò là Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng Ban nữ công Công đoàn Công ty Cổ phần An Hưng (tỉnh Phú Yên), chị Bùi Thị Kim Soan, sinh năm 1982, đã có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn để lao động nữ đảm bảo các chế độ, chính sách về tiền lương, thưởng, nghỉ thai sản, bảo hiểm… Chị Soan còn tích cực hỗ trợ lao động nữ sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả làm việc.
* Giúp công nhân lao động sáng tạo
Công ty Cổ phần An Hưng là doanh nghiệp chuyên ngành may mặc xuất khẩu với hơn 80% là lao động nữ. Cán bộ nữ ở đây hầu hết được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu công việc. Tuy nhiên, một số lao động nữ chưa được đào tạo, bổ sung kiến thức thường xuyên. Do vậy, việc đào tạo lao động đáp ứng với quy mô phát triển của công ty luôn được đặt lên hàng đầu. Đây là cách để nâng cao hiệu quả sản xuất, thu hút lao động.
Là Trưởng phòng Tổ chức nhân sự của công ty, chị Bùi Thị Kim Soan tham mưu cho Ban Giám đốc công ty xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Hằng năm, hằng quý, chị Soan lập kế hoạch tuyển dụng cán bộ, công nhân theo yêu cầu ở từng bộ phận, vị trí việc làm. Chị luôn cập nhật những quy định mới để xây dựng các chính sách, chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội… cho cán bộ, công nhân được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện.
Chị Soan chia sẻ, được giao nhiệm vụ trên lĩnh vực tổ chức nhân sự, chị luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng chị ham học hỏi, thường xuyên tự nghiên cứu, tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản trị nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đang phụ trách. Chị sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhiều cán bộ, lao động nữ nâng cao tay nghề, hiệu quả làm việc.
Công nhân ngành may mặc tại Công ty Cổ phần An Hưng có trình độ phổ thông, chuyên môn khác nhau. Chị Soan đã tham mưu cho Ban Giám đốc và các phòng chuyên môn đưa ra giải pháp dùng công nhân giỏi trực tiếp hướng dẫn, đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân khác với phương châm “cầm tay chỉ việc” và “tự học tập lẫn nhau”.
Chị Huỳnh Thị Thảo Quyên, công nhân Công ty Cổ phần An Hưng cho biết, chị Soan luôn tận tình giúp đỡ mọi người trong công ty. Chị có nhiều cách làm hay để tuyên truyền và hướng dẫn lao động nữ mạnh dạn đăng ký và thực hiện sáng tạo, cải tiến trong lao động. Khi lao động nữ có những sáng kiến, chị Soan kịp thời đề xuất lãnh đạo công ty khen thưởng, động viên mọi người làm việc.
Theo ông Phan Đình Hồng, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty Cổ phần An Hưng, nhận thức được vai trò đóng góp quan trọng của lao động trực tiếp trong phong trào “Lao động giỏi, sáng tạo”, chị Soan đã tham mưu lãnh đạo công ty xây dựng tiêu chí sáng kiến “thao tác tiên tiến giảm thời gian thực hiện công đoạn”. Với tiêu chí này, công nhân lao động trực tiếp có nhiều có hội được thể hiện khả năng sáng tạo của mình và đã có hàng trăm sáng kiến được áp dụng vào sản xuất. Đây là cách làm hay, hiệu quả khi đánh giá đúng vai trò, vị trí của công nhân nữ trực tiếp sản xuất trong việc nâng cao năng suất lao động.
* Bảo vệ quyền lợi cho công nhân nữ
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ công nhân trong sáng tạo làm việc, chị Bùi Thị Kim Soan luôn dành nhiều thời gian triển khai các hoạt động chăm sóc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ. Từ đó, các chị em yên tâm làm việc, gắn bó với công ty và phát huy được vai trò của lực lượng lao động nữ trong sản xuất, kinh doanh.
Chị Soan luôn tìm tòi, có những sáng kiến về việc tuyên truyền, hướng dẫn, trao đổi về các chế độ chính sách cho lao động nữ. Đây là cách để người lao động hiểu, nắm bắt và thực hiện đầy đủ, đảm bảo quyền lợi cho mình. Để công tác tuyên truyền đến được với toàn thể nữ lao động trong công ty, chị đã đề nghị bộ phận kỹ thuật của công ty soạn thảo các văn bản về các chế độ chính sách liên quan lao động nữ rồi phát định kỳ trên hệ thống loa nội bộ tại các xí nghiệp. Với cách làm này, 100% nữ đoàn viên, người lao động hiểu rõ các chính sách, chế độ, yên tâm làm việc.
Theo chị Phan Thị Phương Thảo, công nhân Công ty Cổ Phần An Hưng, chị Soan rất quan tâm đến đời sống người lao động của công ty, nhất là lao động nữ. Thấy đồng nghiệp gặp khó khăn, chị tận tình giúp đỡ và tham mưu cho lãnh đạo đưa ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Khi công nhân phát sinh những mâu thuẫn về chế độ chính sách, chị Soan đứng ra giải quyết kịp thời, hài hòa lợi ích; đồng thời tìm hiểu nguyên nhân vấn đề để có giải pháp giúp người lao động yên tâm làm việc.
Chị Bùi Thị Kim Soan tích cực tham mưu Ban Giám đốc công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cho cán bộ, công nhân viên, nhất là lao động nữ về sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa, bệnh nghề nghiệp. Để lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo yên tâm làm việc, Công đoàn Cơ sở Công ty Cổ phần An Hưng thường xuyên tổ chức, thăm hỏi bằng quà, hiện vật cho các chị em. Chị cũng tham mưu lãnh đạo thực hiện các chế độ hỗ trợ, tặng quà cho lao động nữ có con nhỏ, nhân dịp lễ, Tết…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên Nguyễn Ngọc Huyền nhận xét, trong thời gian công tác, chị Bùi Thị Kim Soan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; làm tốt công tác tuyên truyền, giúp Công đoàn Cơ sở Công ty Cổ phần An Hưng tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, làm tốt công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động tại công ty. Hằng năm, Công đoàn công ty vận động người lao động gia nhập công đoàn với số lượng từ 550 - 700 đoàn viên.
Với những đóng góp trong hoạt động công đoàn và sản xuất của công ty, từ năm 2019 đến nay, chị Bùi Thị Kim Soan được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tuyên dương, khen thưởng. Chị vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam biểu dương tại Hội nghị “Cán bộ nữ công đoàn cơ sở tiểu biểu xuất sắc lần thứ 3 năm 2024”. Chị luôn nhận được nhiều tình cảm, quý mến của đồng nghiệp, lãnh đạo công ty và người lao động./.