Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia cần khuyến khích người dân, đặc biệt là giới trẻ có những hành động thân thiện môi trường một cách đơn giản và thiết thực ngay trong cuộc sống hằng ngày.
(TTXVN)- Chiều 28/8, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức buổi chia sẻ với chủ đề: Biến đổi khí hậu và hành động của giới trẻ.
Tại buổi chia sẻ, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận xoay quanh một số nội dung như: Các vấn đề về biến đổi khí hậu ở Việt Nam; hành động của giới trẻ quốc tế và kinh nghiệm với Việt Nam...; qua đó, đề xuất những cách làm hay, sáng tạo; trao đổi, làm rõ hơn về các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Biến đổi khí hậu và hành động của giới trẻ. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)Truyền cảm hứng về các hành động khí hậu cho người tham gia, chị Prachi Shevgaonkar (Ấn Độ) - người sáng lập ứng dụng Cool The Globe cho biết, hiện ứng dụng này đã có hàng triệu người từ 110 quốc gia sử dụng. Prachi đã được Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ trao Giải thưởng “Người tạo ra sự thay đổi trẻ của năm”.
Chị đã được Bộ Môi trường Ấn Độ và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chọn để đại diện cho Ấn Độ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập, nơi chị nhận được Giải thưởng Học giả Trẻ COP27. Cùng với đó, Prachi đã xuất hiện trong chiến dịch của Google Ấn Độ, được lấy cảm hứng từ câu chuyện xây dựng ứng dụng Cool The Globe của chị.
Đến nay, các chiến dịch hành động vì khí hậu của Prachi đã tiếp cận hơn 25 triệu công dân từ 110 quốc gia. Họ đã cùng nhau sử dụng ứng dụng Cool The Globe và cùng thực hiện mục tiêu giảm 2,5 triệu kg phát thải khí nhà kính bằng cách thay đổi lối sống đơn giản để bảo vệ môi trường.
Prachi chia sẻ: "Tôi đã dành một năm đi khắp Ấn Độ, kể những câu chuyện về giới trẻ, nông dân và những người nhặt rác để cộng đồng hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống hàng ngày. Hiện tôi đã và đang vận động người dân giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua công nghệ, vận động chính sách và hành động cấp cơ sở. Tôi mong muốn ứng dụng Cool The Globe được triển khai rộng trên toàn cầu, từ đó, mỗi người dân dùng ứng dụng sẽ trở thành Đại sứ chống biến đổi khí hậu.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, chị Prachi đề xuất, trước hết các quốc gia cần khuyến khích người dân, đặc biệt là giới trẻ có những hành động thân thiện môi trường một cách đơn giản và thiết thực ngay trong cuộc sống hằng ngày; kêu gọi chính phủ các nước ủng hộ tiêu dùng bền vững thông qua công nghệ, vận động chính sách và hành động cấp cơ sở…
Theo anh Nguyễn Đức Tố Lưu, Trưởng phòng Quản trị tài nguyên thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), thời gian gần đây, PanNature đã tích cực tham gia các hoạt động chống biến đổi khí hậu như: Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổng kết Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam.
Dự án này đã được thực hiện trong giai đoạn 2019-2022. PanNature cũng phối hợp với Tổ chức Climate Tracker tập huấn báo chí về biến đổi khí hậu và Nông nghiệp vùng cao tại Mộc Châu (Sơn La) với sự tham dự của 20 nhà báo trẻ. Đây là cơ hội để các nhà báo học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp với các chuyên gia để khai thác hiệu quả đề tài biến đổi khí hậu, đưa câu chuyện biến đổi khí hậu ở Việt Nam lên tầm quốc tế.
“Hiện PanNature đã và đang triển khai dự án “Bớt củi giữ rừng” - Chung tay xây 200 bếp cải tiến cho đồng bào người Mông ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Dự án giúp bà con đồng bào người Mông ở 3 bản gần rừng thuộc xã Vân Hồ xây bếp cải tiến nhằm giảm sử dụng củi đun, bảo vệ sức khỏe con người, góp phần giữ cánh rừng tự nhiên thuộc hành lang núi đá vôi Hòa Bình - Sơn La, ngôi nhà của loài vượn đen má trắng quý hiếm và nhiều loài muông thú khác”, anh Nguyễn Đức Tố Lưu cho biết./.