Ở nước ta, thiên tai xảy ra liên tiếp và mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Đặc biệt, thiên tai xảy ra nhiều hơn tại các vùng miền trước đây ít khi xảy ra.
TTXVN - Nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai; cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả tại các địa phương.
Đây là mục đích của Tọa đàm về “Giải pháp sinh kế thích ứng, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 26/8.
Hoạt động nằm trong Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” theo Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, những năm gần đây, thiên tai ở nước ta xảy ra liên tiếp và mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Đặc biệt, thiên tai xảy ra nhiều hơn tại các vùng miền trước đây ít khi xảy ra, trong đó có khu vực Nam Trung Bộ, gây ra nhiều thiệt hại cả về người và tài sản.
Chỉ tính riêng năm 2021, từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 6 đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng phổ biến 2.000 - 3.500 mm, một số trạm mưa lớn hơn 4.000 mm. Mưa lớn gây lũ trên các sông Bình Định, Phú Yên gần ở mức lịch sử, gây ngập lụt trên diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi đã làm 48 người chết, mất tích, 680 nhà bị thiệt hại với tổng thiệt hại gần 4.100 tỷ đồng.
So với các vùng khác, duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, gây thiệt hại lớn về sản xuất. Nghiêm trọng nhất là hạn hán kéo dài từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2016 làm 15.000 ha dừng sản xuất, 10.776 ha lúa bị thiệt hại, 43.482 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt; tổng thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng. Sạt lở bờ sông, bờ biển thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sau các trận bão, mưa lũ, gây thiệt hại lớn về nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong khu vực, Ninh Thuận là địa phương đang phải chịu các tác động của nhiều loại hình thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gia tăng và có xu hướng cực đoan hơn. Các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ, nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn.
Để có giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có hiệu quả, sử dụng ít nước gắn với việc liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Ngành tăng cường triển khai thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả ứng phó thiên tai đã được nhân dân áp dụng, đặc biệt là mô hình tưới tiết kiệm; hướng dẫn các hộ dân cách chế biến những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; di chuyển đàn gia súc ở những nơi khô hạn về những nơi có nguồn nước uống, thức ăn cho gia súc.
Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp ứng phó với thiên tai nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong nhân dân cùng các cấp, các ngành chủ động ứng phó, nhất là các mô hình hay, cách làm hiệu quả để ứng phó với tình hình thiên tai.
Trong khuôn khổ buổi buổi tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, trao đổi những giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai; các giải pháp quản lý, điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận triển khai như mô hình trồng măng tây xanh, bưởi, táo, mãng cầu dai, rau an toàn, các mô hình nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi cừu, dê, bò vỗ béo cho quả kinh tế cao.
Cùng đó là chia sẻ các biện pháp kỹ thuật bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản chủ động thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ. Vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các chế độ, chính sách của Nhà nước hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, tọa đàm cung cấp những thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý, các đơn vị chuyên môn, chính quyền và người dân tham khảo để chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, nhất là những vùng có nguy cơ cao để có thể ứng dụng và triển khai trong thực tiễn sản xuất, đời sống.
Dự báo trong thời gian tới thiên tai vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng cực đoan. Để phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác nâng cao nhận thức cộng đồng trên cả nước nói chung, khu vực Nam Trung Bộ và tỉnh Ninh Thuận nói riêng trong phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hạn đến mức thấp nhất, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể cần triển khai đồng bộ Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Dể chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian tới, các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác dự báo, coi trọng công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó. Các cấp chính quyền các địa phương cần phối hợp thực hiện hiệu quả đồng thời hai mục tiêu của ứng phó là giảm thiểu và thích ứng đối với biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn để phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền nâng cao, nhận thức, tăng cường năng lực cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai; ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng. Cùng đó, tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chuyển giao quy trình công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu./.