Đến năm 2035, Việt Nam đạt đỉnh phát thải khí nhà kính, sau đó từng bước giảm dần để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
TTXVN - Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với nhân loại, ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải được đặt vào trung tâm của các quyết định phát triển. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết quốc tế. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế carbon thấp.
Đến năm 2035, Việt Nam đạt đỉnh phát thải khí nhà kính, sau đó từng bước giảm dần để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân. Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững, tích cực hội nhập.
Chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường truyền thông tạo sự thống nhất cao về thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn các địa phương, cơ sở triển khai thực hiện các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với các thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc.
Nguồn phát thải khí nhà kính lớn trên phạm vi toàn quốc cần được kiểm soát tốt. Các lĩnh vực thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của theo lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính, tăng số cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo lộ trình; triển khai áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến về thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon (CCUS), phát triển năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh...).
Theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone cần tập trung triển khai. Chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone; xây dựng và thực hiện chiến lược làm mát đô thị ở Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu cam kết; thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường carbon trong nước và kết nối thị trường carbon khu vực và thế giới.
Huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các hoạt động thích ứng, các dự án đầu tư chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ carbon thấp, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ các hợp tác song phương và đa phương cho, giảm phát thải khí nhà kính./.