Môi trường

Góp phần quản lý bền vững tài nguyên hiệu quả, công bằng

Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một đề án lớn, phạm vi rất rộng, bao trùm cả ba nội dung là ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Sáng 14/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chuyên đề "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về quản lý tài nguyên" bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại các Sở Tài nguyên và Môi trường trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một đề án lớn, phạm vi rất rộng, bao trùm cả ba nội dung là ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài nguyên tại Nghị quyết số 24-NQ/TW cho thấy, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra như: Quán triệt bảo vệ, khai thác, phát huy tiềm năng của tài nguyên là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Quản lý tài nguyên phải đặt mục tiêu phát huy hiệu quả, phát triển bền vững; không chạy theo lợi ích trước mắt về kinh tế mà phải đặt mục tiêu phát triển lâu dài.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh, để tiếp tục hoàn thiện báo cáo Đề án tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW, những kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản và tài nguyên môi trường biển, hải đảo của các địa phương cần được nêu đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế theo góc độ Nghị quyết, từ tư duy, quan điểm, tầm nhìn đến tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, quá trình tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW cần đề xuất những quan điểm, tư duy, nhận thức mới trong bối cảnh thế giới từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo ông Trần Quý Kiên, cần lựa chọn một số vấn đề, mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, chuyển đổi năng lượng công bằng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ưu tiên phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên thông qua mở rộng, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; đẩy mạnh tiếp cận thị trường và các công cụ kinh tế để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, công bằng…

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Phương báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài nguyên tại Nghị quyết số 24-NQ/TW (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Phương nêu rõ: "Đến nay, nhiều nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 24-NQ/TW được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực như: Hệ thống chính sách, pháp luật chung và về tài nguyên ngày càng được hoàn thiện. Công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia được đẩy mạnh. Việc quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia ngày càng được hoàn thiện. Quá trình phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; việc phát triển các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống ngày càng được tăng cường".

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 24-NQ/TW trong giai đoạn tới, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Trần Phương đề xuất Bộ Chính trị thông qua Báo cáo Đề án và xem xét, ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Cùng với đó, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thiện các chính sách, quy định và trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và Khoáng sản. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thống nhất trong nhận thức, tích cực, chủ động tham gia triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết; đồng thời giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp…

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được về quản lý tài nguyên, việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW đã đề ra; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cần khắc phục; thảo luận về quan điểm mới cùng những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về quản lý tài nguyên trong thời kỳ mới đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; giải đáp một số kiến nghị về công tác quản lý tài nguyên./.

Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm